Nhiều điểm mới trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên

Thứ ba, 03/08/2021 08:22
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Quy định này thay thế Quy định số 30 ngày 26/7/2016 với nhiều điểm mới về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng đáng chú ý.

Không có ngoại lệ

Cụ thể, Quy định 22 nêu rõ, công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đồng thời, phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.

leftcenterrightdel
 Hội nghị Trung ương 3

Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.

Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ.

Quy định cũng đưa ra nhiều điểm mới về quyền, trách nhiệm của đối tượng kiểm tra giám sát. Theo đó, Quy định 22 yêu cầu, các đối tượng kiểm tra, giám sát không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát.

Các đối tượng kiểm tra, giám sát được sử dụng bằng chứng, chứng có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát.

Xem xét lại việc kỷ luật đảng sau khi có bản án

Quy định 22 cũng dành một điều để quy định rõ nguyên tắc thi hành kỷ luật Đảng. Trong đó nêu rõ, Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ.

Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn. Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng…

Trong các quy định về thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm pháp luật, một số quy định cũng được nêu chi tiết hơn.

Quy định 22 nêu rõ, đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật.

Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật, xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó.

Việc cho phép sử dụng các nội dung vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp để chủ động kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên là điểm mới so với quy định năm 2016.

Một điểm mới nữa là quy định “đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị toà án tuyên phạt tử hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật”.

Quy định 22 cũng nêu rõ cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên Ủy ban kiểm tra các cấp:
Ủy ban Kiểm tra Trung ương có từ 19 - 21 ủy viên chuyên trách; trong đó không quá 1/3 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm; số lượng Phó Chủ nhiệm do Bộ Chính trị quyết định.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương có từ 9 - 11 ủy viên do cấp ủy quyết định, trong đó có 2 ủy viên kiêm chức (Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban tổ chức của cấp ủy là cấp ủy viên và chánh thanh tra tỉnh, thành phố). Riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP.HCM số lượng từ 13 - 15 ủy viên; Thanh Hoá, Nghệ An có từ 11 - 13 ủy viên.
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương có 11 - 13 ủy viên do Quân ủy Trung ương quyết định. Trong đó có 8 - 10 ủy viên chuyên trách và từ 3 - 5 ủy viên kiêm chức bao gồm: Chủ nhiệm Ủy ban là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Tổ chức; Cục trưởng Cục Cán bộ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng; có 2 - 3 ủy viên là Ủy viên Quân ủy Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ Công an Trung ương có từ 11 - 13 ủy viên do Đảng ủy Công an Trung ương quyết định. Trong đó có từ 8 - 10 ủy viên chuyên trách và 3 - 5 ủy viên kiêm chức (bao gồm: Chủ nhiệm Ủy ban là Phó Bí thư hoặc ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ Công an); có từ 2 - 3 ủy viên là ủy viên Đảng uỷ Công an Trung ương.

Theo Vietnamnet.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra