Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các Khu kinh tế (KKT), làng nghề trước UBTVQH sáng nay (29/9), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng cho biết, việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các KKT rất chậm và còn nhiều bất cập, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là thách thức lớn đối với các làng nghề hiện nay .
KKT hình thành nhiều nhưng thiếu quy hoạch
Đoàn giám sát nhận định, số lượng các KKT được hình thành trong thời gian qua tương đối nhiều, chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương cũng như cả nước, việc triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật – xã hội còn yếu kém, thu hút đầu tư chưa được nhiều. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định, sự hình thành, phát triển của các KKT, làng nghề theo kiểu “trăm hoa đua nở”, “mạnh ai người nấy làm’ mà thiếu quy hoạch, thiếu quản lý thì ô nhiễm môi trường là điều tất yếu.
Theo kết quả giám sát, nhiều cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, thường xuyên xả nước thải chưa xử lý ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép, có nơi đến vài chục lần, ở một số cơ sở hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới làm việc. Một số KKT bị ô nhiễm cục bộ ở các mức độ khác nhau do bụi từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, san lấp mặt bằng, đặc biệt là KKT có các nhà máy xi măng, hóa chất, nhà máy nhiệt điện, chế biến thực phẩm, sửa chữa và đóng tàu. Rất ít các KKT có khu xử lý nước thải tập trung, KKT mở Chu Lai được thành lập đầu tiên vào năm 2003 nhưng đến nay cũng chỉ mới bắt đầu triển khai xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải tập trung, các KKT Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng; KKT Chân Mây – Lăng Cô, Thừa Thiên Huế và KKT Nhơn Hội, Bình Định tuy đã có khu xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Đánh giá về thực trạng này, ông Nghiêm Vũ Khải – Thứ trưởng Bộ KHCN cho rằng nguyên nhân chính là do “quy hoạch phát triển nhanh và nóng”. Các địa phương đã bị hấp dẫn bởi việc áp dụng những “cơ chế đặc biệt” tại các KKT nên nơi nào cũng muốn hình thành các KKT, trong khi đó, mô hình quản lý KKT và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL các KKT đã đặt ra một cấp quản lý nhà nước được UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước tạo nên một số khó khăn nhất định trong việc thực hiện các chức năng BVMT tại các KKT. “Việc phân công quản lý môi trường cho BQL KKT quá nhiều trong khi đó năng lực của các BQL KTT còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở những nơi này thời gian qua”, ông Khải nhận định.
Khó kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề
Khác với KKT, ô nhiễm môi trường làng nghề có đặc điểm là ô nhiễm trong phạm vi một khu vực, do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu sinh hoạt nên khó kiểm soát, khó quy hoạch và hiện chưa có giải pháp hiệu quả. Theo tổng hợp của đoàn giám sát, cả nước có 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn. Các ô nhiễm chủ yếu ở làng nghề là ô nhiễm chất hữu cơ, ô nhiễm chất vô cơ. Tuy nhiên, qua giám sát thấy rằng, các chính sách liên quan đến đẩy mạnh hoạt động BVMT áp dụng cho các làng nghề trên thực tế ít được triển khai, những quy định của pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi áp dụng cho làng nghề còn nhiều khó khăn, bất cập.
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải, bản thân sản xuất ở các làng nghề là sản xuất nhỏ, phức tạp và chịu nhiều rủi ro. Họ gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ thấp, lao động lại thiếu đào tạo, làm việc chủ yếu theo gia truyền. Do năng suất lao động thấp nên họ không có khả năng chi trả cho việc bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trong thời gian qua. Chính vì vậy, theo ông Khải nên nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu làng nghề, quản lý theo mô hình sản phẩm loại hình sản xuất, chọn điểm để tổ chức hợp lý, nhằm nâng cao năng suất lao động ở các làng nghề..
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nên tập trung vào quy hoạch, sắp xếp lại các làng nghề, không để tình trạng như vừa qua. Theo ông Hiển nên tùy thuộc tình hình thực tiễn để bố trí cho phù hợp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhưng phải chú ý đến vấn đề xã hội hóa, “nếu không thu bao nhiêu sẽ không đủ để giải quyết hậu quả”, ông Hiển lưu ý.
Đồng ý với việc phải sắp xếp lại làng nghề, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đề nghị không nên tập trung những làng nghề ô nhiễm vào một chỗ, vì làng nghề vốn gắn với truyền thống làng xã nếu dồn lại sẽ làm mất sự sáng tạo, sức sống của làng nghề.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần phải quy định rõ chế độ phối hợp giữa các sở, ban, ngành chức năng của địa phương, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường tại các làng nghề. Có như vậy mới đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chính sách, pháp luật về môi trường ở những nơi này./.
Bảo Anh