Chào mừng 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam:

Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt: Văn kiện pháp lý đầu tiên

Thứ năm, 24/11/2022 13:56
(ThanhtraVietNam) - Ngày này cách đây 77 năm (23/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt - văn kiện mang tính pháp lý đầu tiên về công tác thanh tra. Ngày 23/11 hằng năm đã trở thành “Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 840/QĐ-TTg ngày 15/7/2022.

Ngày 23/11/1945, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt.

Bản Sắc lệnh gồm 8 điều này được xác định là văn kiện mang tính pháp lý về công tác thanh tra cũng như về công việc xét xử của tòa án, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban Thanh tra và được cho là “viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về thanh tra”.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Điều thứ nhất Sắc lệnh số 64-SL nêu rõ “Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra Đặc biệt, có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”.

Quyền của Ban Thanh tra Đặc biệt được quy định tại Điều thứ hai của Sắc lệnh là: Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; Điều tra, hội chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án Đặc biệt xét xử; Tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một  phạm nhân ra Tòa án Đặc biệt. Ban Thanh tra có thể truy tố tất cả các việc đã xảy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này. Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần phải sửa đổi trong các cơ quan.

Ngày 15/6/2004, Quốc hội thông qua Luật Thanh tra và ngày 24/6/2004, Chủ tịch nước công bố Luật Thanh tra thay thế cho Pháp lệnh Thanh tra năm 1990.

Luật Thanh tra là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước đối với ngành Thanh tra quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của ngành Thanh tra và đổi tên Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành Thanh tra Chính phủ. Hệ thống tổ chức của các cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm cơ quan thanh tra theo cấp hành chính (Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực (Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra bộ có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành và Thanh tra sở).

Như vậy, về mặt tổ chức, Luật thanh tra 2004 đã thống nhất hai tổ chức là thanh tra nhà nước của bộ và thanh tra chuyên ngành của bộ vào một tổ chức thanh tra bộ.

Về mục đích của hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra hiện hành quy định, hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Luật này quy định, cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thái Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra