Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này, công tác phổ biến giáo dục pháp luật giữ vị trí hết sức quan trọng trong đời sống pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, vì phổ biến giáo dục pháp luật chính là khâu đầu tiên trong tổ chức thực thi pháp luật.
Dự thảo Luật PBGDPL lần này quy định về nội dung, hình thức PBGDPL; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm PBGDPL; người được PBGDPL và các biện pháp bảo đảm công tác PBGDPL. Dự thảo cũng quy định cụ thể việc phổ biến pháp luật cho một số đối tượng đặc thù như: cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân; nông dân; thanh niên, thiếu niên; phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng. Đối với mỗi đối tượng này có nội dung, hình thức phổ biến pháp luật phù hợp; Dự thảo Luật cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trực tiếp phổ biến pháp luật cho các đối tượng này.
Về phạm vi điều chỉnh nói trên thì đa số ý kiến cho rằng, các nội dung đưa ra trong Dự thảo Luật là cần thiết và đúng trọng tâm của công tác PBGDPL. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa phạm vi điều chỉnh, vì Dự thảo mới chỉ tập trung quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác PBGDPL mà chưa có đầy đủ các quy định về đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật.
 |
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Internet |
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật lần này là đã thống nhất tiêu chuẩn Báo cáo viên pháp luật ở ba cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, không quy định tiêu chuẩn khác nhau đối với từng cấp Báo cáo viên pháp luật. Theo đó, Báo cáo viên pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn: có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong công tác; có khả năng truyền đạt; có bằng đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 03 năm; trường hợp không có bằng đại học luật, nhưng có bằng đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật từ 05 năm trở lên.
Còn có ý kiến khác nhau về Ngày pháp luật Việt Nam và về Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL
- Về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam:
Dự thảo Luật quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật có ý kiến đề nghị lấy tên gọi ngày này là Ngày Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trên cơ sở tham khảo mô hình Ngày Hiến pháp của một số nước.
Khác với ý kiến trên, theo quan điểm của Ban soạn thảo, mặc dù dự thảo Luật lấy ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta làm Ngày Pháp luật, nhưng không nên gọi là Ngày Hiến pháp. Mô hình Ngày Pháp luật là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có. Từ sáng kiến trước đây của một số tỉnh, trong năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Do vậy, nên quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
- Về Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL:
Thực tiễn công tác PBGDPL hơn 10 năm qua cho thấy đây là mô hình phối hợp liên ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Đến hết năm 2010, bên cạnh Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ, 21 Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, 63/63 tỉnh, thành phố, 98% đơn vị cấp huyện và 82% đơn vị cấp xã đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Chính vì vậy, tại Kết luận số 04-KL/TW, Ban Bí thư đã yêu cầu cần: "Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL và các thành viên của Hội đồng trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện kế hoạch PBGDPL ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương".
Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể về Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL trong dự thảo Luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo Luật, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL là loại hình tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành vì vậy nên giao thẩm quyền cho Chính phủ thành lập khi cần thiết, Luật chỉ cần có quy định chung về vấn đề này./.
Nhất Anh