Chia sẻ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V), Thanh tra Chính phủ nhận định: Công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra góp phần nâng cao kết quả hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra được thực hiện qua các Đoàn thanh tra và kết quả cuối cùng thể hiện qua Kết luận thanh tra (KLTT). Công tác giám sát, thẩm định là một khâu trong quá trình ban hành KLTT giúp cho việc ban hành KLTT chính xác, khách quan và đúng mục tiêu của cuộc thanh tra; việc kiểm tra sau thanh tra đảm bảo cho các kiến nghị của kết luận thanh tra được thực thi. Theo đó, từng nội dung của công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra sẽ tác động đến các tiêu chí để đạt được kết quả hoạt động thanh tra.
|
|
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V), Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung |
Các nội dung giám sát góp phần đảm bảo mục tiêu của cuộc thanh tra, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, vi phạm trong hoạt động thanh tra
Cụ thể, trong các nội dung giám sát được pháp luật quy định thì nội dung giám sát việc chấp hành chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra và việc thực hiện Quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo đạt được mục tiêu của cuộc thanh tra, tránh được việc mở rộng phạm vi thanh tra hoặc bỏ sót nội dung thanh tra. Việc kịp thời giám sát tuân thủ Kế hoạch thanh tra cũng góp phần thực hiện đúng thời gian thanh tra, giảm chi phí thanh tra do phải kéo dài thời gian thanh tra, qua đó giảm chi phí cơ hội cho ĐTTT và xã hội.
Thực tế công tác giám sát thời gian qua cho thấy, một số cuộc thanh tra do tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra chưa phù hợp nên đã phải gia hạn thời gian thanh tra; hoặc không thu thập đủ tài liệu, chứng cứ để kết luận dẫn đến kéo dài thời gian KLTT; hoặc kết quả thanh tra bị lệch hướng, không đạt được mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra; kết quả thanh tra đạt thấp, không tương quan với chi phí cụ thể của cuộc thanh tra và chi phí xã hội mất đi do hoạt động thanh tra.
Việc giám sát tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của thành viên đoàn thanh tra và các quy định của pháp luật về những hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra, giúp Người ra quyết định thanh tra kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, vi phạm trong hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao kết quả hoạt động thanh tra trên góc độ thứ 2 và thứ 3 như đã nêu ở trên (tác động đến đối tượng thanh tra và tác động đến xã hội; hành động sau thanh tra của Thanh tra viên và đối tượng thanh tra).
Hoạt động thẩm định Dự thảo KLTT đảm bảo tính chính xác, khách quan, khả thi và tính thực tiễn của các kiến nghị trong KLTT
Theo quy định pháp luật, Báo cáo thẩm định Dự thảo KLTT là một trong những căn cứ để Người ra quyết định thanh tra hoàn thiện và ký ban hành KLTT. Thực tế công tác thẩm định trong thời gian qua cho thấy một số Dự thảo KLTT còn có tồn tại, hạn chế, sai sót về hình thức và nội dung, trong đó nổi lên là việc áp dụng pháp luật chưa chính xác. Cụ thể, đó là những sai lầm về phạm vi, đối tượng áp dụng; sai lầm về áp dụng thời điểm hiệu lực của văn bản; sai lầm khi áp dụng các điều kiện về giả định trong quy định pháp luật so với thực tế phát sinh sự việc; sai lầm khi áp dụng các điều kiện cần và đủ giữa thực tế và quy định pháp luật; áp dụng pháp luật chung mà không áp dụng pháp luật chuyên ngành; suy diễn từ các quy định pháp luật thiếu căn cứ… Những sai lầm này dẫn đến kiến nghị xử lý chưa đúng pháp luật, sai đối tượng, thiếu tính khả thi, trong đó có các kiến nghị ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ĐTTT như: Kiến nghị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án, truy thu nghĩa vụ tài chính, xử lý hình sự…
Ngoài các căn cứ pháp luật, hoạt động thẩm định dự thảo KLTT còn dựa vào các yếu tố chủ quan, khách quan, những vấn đề phát sinh trên thực tế mà pháp luật chưa có quy định cụ thể có thể ảnh hưởng đến KLTT để phân tích, đánh giá, nhất là một số Dự thảo KLTT được thẩm định có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành, địa phương; một số Dự thảo KLTT còn có ý kiến khác nhau giữa các thành viên của Đoàn thanh tra… Việc thận trọng xem xét toàn diện các yếu tố trên đã giúp Tổng TTCP ban hành KLTT chính xác, khách quan, đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn của các kiến nghị, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, nâng cao kết quả hoạt động thanh tra.
Việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện KLTT đảm bảo KLTT được thực thi nghiêm túc, đồng thời giúp phát hiện ra các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị trong KLTT
Việc xử lý sau thanh tra bao gồm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT được pháp luật quy định nhằm đảm bảo cho các KLTT được thực thi nghiêm túc, đồng thời cũng để phát hiện ra các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị trong các KLTT. Thông qua công tác này, kết quả hoạt động thanh tra được biểu hiện trên hai góc độ: (1) Việc đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện KLTT nghiêm túc, đúng thời hạn; xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật nếu phát hiện hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ KLTT; (2) Những khó khăn vướng mắc được phản ánh kịp thời, qua đó có giải pháp để tháo gỡ, tổ chức thực hiện KLTT; hoặc phát hiện các tồn tại, hạn chế, vi phạm, trong các KLTT đã ban hành nhằm khắc phục, sửa chữa, tổng kết, đánh giá các tồn tại, hạn chế, vi phạm; qua đó nâng cao chất lượng, kết quả hoạt động thanh tra cho thời gian tiếp theo.
Có thể nói, với vị trí và vai trò được pháp luật quy định, qua thực tiễn hoạt động thời gian qua thấy rằng, công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao kết quả hoạt động thanh tra. Tuy còn một số tồn tại, hạn chế nhất định về quy trình thủ tục, mô hình tổ chức và thực tế triển khai hoạt động nhưng với yêu cầu đặt ra về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xu thế phát triển và hội nhập quốc tế thì hoạt động thanh tra nói chung, trong đó công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra càng cần được quan tâm về tổ chức, cải thiện và nâng cao về mọi mặt hoạt động để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một số khó khăn, bài học kinh nghiệm và kiến nghị
Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Một số đoàn thanh tra có lúc phối hợp chưa tốt với Tổ giám sát; thời gian thẩm định dự thảo KLTT ngắn, trong khi số lượng công chức ít và đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Thêm nữa, phần lớn các Dự thảo KLTT có nội dung phức tạp, tính chất đặc thù kỹ thuật chuyên sâu, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong khi đội ngũ công chức của Cục Giám sát chưa đảm bảo được số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu. Một số KLTT kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, kiến nghị còn chung chung, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện việc xử lý sau thanh tra. Đặc biệt, các văn bản do Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ cho ý kiến về xử lý sau thanh tra đối với các KLTT ngày càng nhiều, làm phát sinh các nhiệm vụ đột xuất cần ưu tiên thời gian, nhân lực để thực hiện.
Mặc dù vậy, Cục V đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận là nhờ bám sát Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ về nâng cao chất lượng, kết quả hoạt động thanh tra. Cục cũng đã thường xuyên quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó vận dụng sáng tạo tưởng Hồ Chí Minh về Khéo kiểm tra, kiểm soát - tập trung vào cải tiến quy trình làm việc, hình thức, phương pháp làm việc khoa học, phù hợp với thực tế. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, lãnh đạo vụ cũng như sự phối hợp, trao đổi, thảo luận về chuyên môn trong nội bộ Cục và giữa Cục với Đoàn thanh tra để tạo sự đồng thuận cao nhất trên cơ sở quy định pháp luật và những vấn đề thực tiễn để xử lý dứt điểm các nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Xuất phát từ thực tiễn công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thời gian qua, Cục V, Thanh tra Chính phủ đã có một số kiến nghị một số giải pháp để đảm bảo thực hiện được Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ như sau:
Một là, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác kiểm soát nội bộ, kiểm tra giám sát trong hoạt động thanh tra nói riêng.
Hai là, có giải pháp thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ về cập nhật kiến thức và đào tạo, đào tạo lại, tập huấn định kỳ các nội dung mới về kinh tế - xã hội, quy định pháp luật mới hoặc các khó khăn vướng mắc phát hiện trong hoạt động thanh tra.
Ba là, điều động, luân chuyển, bổ sung công chức cho Cục V nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ, công chức tương xứng với công việc được giao.
K. Dung