Cụ thể: Địa phương có 03 vụ việc đông người (02 vụ việc theo Kế hoạch số 01/KH-TCT và 01 vụ việc theo Kế hoạch số 13/KH-TCT). Đó là: (1) vụ của một số hộ dân xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; (2) vụ của các hộ dân cư trú tại xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; (3) Vụ khiếu nại của 08 hộ dân, gồm: Trần Văn Đấu, Trần Văn Bảy, Lê Ngọc Châu, Lê Ngọc Nhẫn, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Định, Trương Đình Hiệp và Vũ Đức Cấp (đại diện là ông Trần Văn Đấu) cùng cư trú tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
|
|
Trụ sở Trung tâm hành chính công huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh minh họa: K. Dung) |
Có 06 vụ việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Đó là: (1) Vụ ông Đào Văn Đường, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột; (2) Vụ Bà Đinh Thị Bông, cư trú tại xã Ea Rốc, huyện Ea Súp; (3) Vụ ông Nguyễn Hòa, cư trú tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo; (4) Vụ ông Bùi Quang Ngoạn, cư trú xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; (5) Vụ ông Phan Văn Phương, cư trú tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột; (6) Vụ bà Trương Xuân Liên (đại diện ủy quyền là bà Phan Thị Tuyết Mai, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột).
Hiện nay, kết quả kiểm tra, rà soát giải quyết 09 vụ việc trên như sau:
Đối với vụ việc đông người (03 vụ): Các cơ quan hành chính đã giải quyết dứt điểm 02 vụ - (1) Vụ tranh chấp đất đai, hợp đồng nhận khoán giữa một số hộ dân tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar với Công ty đầu tư và phát triển Buôn Ja Wầm (nay là Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) đã được các cấp hành chính giải quyết theo thẩm quyền, hiện nay các bên khởi kiện tại Tòa án Nhân dân; (2) Vụ khiếu nại của các hộ dân cư trú tại xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, liên quan đến việc đòi lại đất trước đây nhà nước thu hồi đất khai hoang của các hộ dân để trồng cao su năm 1990. Còn 01 vụ việc, các cơ quan hành chính đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, đó là vụ khiếu nại của ông Trần Văn Đấu và 07 hộ dân tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình Thủy điện SrêPốk 4A (bồi thường tương tự như hộ ông Vũ Văn Thanh).
Đối với các vụ việc đơn lẻ đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại (06 vụ việc), cụ thể:
Có 03 vụ việc đã được các cơ quan giải quyết dứt điểm: (1) Vụ khiếu nại của ông Đào Văn Đường, thường trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (ông Đường đã nhận tiền hỗ trợ và không còn khiếu nại). (2) Vụ khiếu nại của ông Bùi Quang Ngoạn, thôn Tân Tiến, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (ông Ngoạn đã nhận tiền hỗ trợ khác và không còn khiếu nại). (3) Vụ khiếu nại của ông Phan Văn Phương, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột (đã ban hành chấm dứt giải quyết nội dung khiếu nại).
Có 02 vụ việc đã giải quyết theo trình tự các hướng dẫn tại Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên, hiện nay còn vướng mắc trong việc xác định giá đất khi lập phương án bồi thường.
Đặc biệt, có 01 vụ khiếu nại không hợp tác, đó là vụ khiếu nại của bà Trương Xuân Liên đại diện ủy quyền là bà Phạm Thị Tuyết Mai, trú tại Trần Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Thực hiện các Công văn số 6002/UBND-NC ngày 19/7/2018, Công văn số 7450/UBND-NC ngày 05/9/2018, Công văn số 10464/UBND-NC ngày 27/11/2018, Công văn số 3239/UBND-NC ngày 25/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xử lý đơn của công dân, ngày 02/8/2018, Sở Xây dựng có Công văn số 1853/SXD-QLN về việc xử lý đơn của bà Trương Xuân Liên đề nghị trả lại căn nhà số 32 – 36 Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột, Công văn số 1027/SXD-QLN ngày 04/5/2019 về việc xử lý đơn của bà Phạm Thị Tuyết Mai đề nghị trả lại căn nhà số 32 Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột với nội dung như sau: Căn cứ quy định pháp luật, không chấp nhận đơn của bà Trương Xuân Liên khiếu nại đòi lại căn nhà số 32 Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột, vì căn nhà này sau năm 1975, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 122/QĐ-UB ngày 08/3/1979 cấp cho UBND thị xã Buôn Ma Thuột sử dụng làm trụ sở cơ quan và các cơ quan của tỉnh sử dụng liên tục cho đến nay. Căn cứ Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 11 thì căn nhà này không thuộc diện xem xét trả lại chủ cũ; do đó, không giải quyết trả lại căn nhà này. Trường hợp bà Trương Xuân Liên có khó khăn về nhà ở thì đề nghị bà có đơn để UBND tỉnh căn cứ quy định hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương có biện pháp hỗ trợ ổn định chỗ ở.
Ngày 16/01/2019, Sở Xây dựng có Công văn số 144/SXD-QLN về việc giải quyết đơn xin lại căn nhà số 32 Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột, đề nghị bà Trương Xuân Liên, như sau: Trường hợp bà khiếu nại đòi lại căn số 32 đường Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột, yêu cầu bà viết lại Đơn khiếu nại rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu sau: Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt và được người khiếu nại ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn theo quy định pháp luật gửi Sở Xây dựng để tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp bà thống nhất với nội dung cuộc họp ngày 06/11/2018 đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ ổn định chỗ ở. Yêu cầu bà có đơn gửi Sở Xây dựng để tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Đến nay, Sở Xây dựng chưa nhận được ý kiến của bà Trường Xuân Liên (cũng như bà Phạm Thị Tuyết Mai là người được bà Trương Xuân Liên ủy quyền trong phạm vi nộp, nhận hồ sơ, ký tên trên các giấy tờ liên quan).
Có thể nói, đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đông người, phức tạp, kéo dài, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp chủ trì các cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc. Tuy nhiên, tại địa phương vẫn tồn tại các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài do còn các yếu tố lịch sử; sự bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý đất đai; hoặc do nhận thức pháp luật nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng của một số bộ phận Nhân dân còn hạn chế nên có một số trường hợp đơn đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết và tiếp tục có đơn gửi đến các cấp, các ngành, kể cả các cơ quan Trung ương./.