Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Theo Kế hoạch vừa được ban hành tại Quyết định số 1616/QĐ-BTC ngày 9/8/2022, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc Bộ có liên quan. Trong đó, Cục Tài chính doanh nghiệp và Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.
Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính chủ trì phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước; Tham mưu cho Chính phủ bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, nhất là đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Đồng thời, đơn vị này còn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về phát triển thị trường mua bán nợ và quản lý giám sát thị trường mua bán nợ để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu cũng như cơ chế khuyến khích các bên tham gia vào thị trường mua bán nợ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu.
Bộ Tài chính giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán được giao chủ trì, phối hợp với NHNN rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các tổ chức tín dụng áp dụng IFRS phù hợp với Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam ban hành theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Cục Quản lý giá có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong việc thẩm định giá của các khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu). Hình thức văn bản: Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp.
Tập trung rà soát, sửa đổi các quy định liên quan để kiểm soát việc tuân thủ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng cổ phần khi cấp phép chào bán chứng khoán dưới hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu và sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (khi tổ chức tín dụng đã sở hữu cổ phần của doanh nghiệp)...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính giao thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trước ngày 15/11 hàng năm có văn bản gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ được giao.
Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, trình Bộ có công văn gửi NHNN trước ngày 30/11 hàng năm về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.