Bảo vệ môi trường trên từng chặng đường du lịch - hướng phát triển văn minh
Thứ năm, 10/05/2018 08:03 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Việt Nam có hơn 30 vườn quốc gia, chiếm 3% diện tích lãnh thổ, là nơi bảo tồn, hồi phục tài nguyên rừng; nghiên cứu khoa học và giáo dục ý thức bảo vệ rừng, hướng nghiệp lâm nghiệp. Hiện nay, du lịch đến các vườn quốc gia ngày càng được nhiều du khách lựa chọn, đó là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng gây không ít áp lực cho hệ sinh thái và môi trường.
Do đó, hoạt động du lịch rất cần được quản lý chặt chẽ để vừa bảo vệ được rừng, vừa đem lại giá trị thực sự cho những người yêu thiên nhiên chân chính. Bởi du lịch vườn quốc gia không phải khách đến càng đông càng tốt, mà đây là nơi đến của những người quan tâm, yêu thích rừng, từ khía cạnh kiến thức cũng như bảo tồn. Khách du lịch sinh thái thực sự phải có nhận thức tốt về trách nhiệm với môi trường; sẵn sàng chi cao hơn so với khách du lịch thông thường dù dịch vụ đơn sơ hơn…
Công tác quản lý khách du lịch tham quan tại các vườn quốc gia còn nhiều bất cập. Tại các vườn quốc gia cần đặt thêm thùng rác, điểm thu gon rác, thường xuyên dọn dẹp, nhất là vào ngày cao điểm, phụ thu ngày lễ hoặc tăng giá vé để có kinh phí xử lý rác thải. Tiếp đó, ban quản lý rừng quốc gia cần khuyến cáo du khách tuyệt đối không đốt lửa tại khu vực không được phép; xây dựng các khu nấu nướng đảm bảo an toàn, có thiết bị phòng, chữa cháy chuyên nghiệp, cắt đặt nhân viên kiểm soát việc đốt lửa... Đặc biệt vào dịp lễ Tết hoặc khi lượng khách quá tải cần cấm xe máy cá nhân, xe ô tô nhỏ vào rừng, đồng thời mở rộng khu vực đậu xe tại cửa rừng, mở một số tuyến đường đi bộ trong rừng song song với đường cái, nối các trạm với nhau, không làm đường bê tông mà chỉ cần phát quang và làm phẳng cho dễ đi, dùng vật liệu thân thiên môi trường và cảnh quan…
Theo nghiên cứu, khi lượng khách du lịch tăng cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch dễ dẫn đến gia tăng áp lực cho môi trường, thậm chí gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài. Đặc biệt, hoạt động du lịch làm tăng chất thải sinh hoạt, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước. Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, đặc biệt là ở các khu vực mà năng lực xử lý chất thải còn hạn chế. Tăng lượng khách du lịch cũng có nghĩa là nhu cầu dùng nước tăng, có khả năng làm suy giảm trữ lượng nước, tăng khả năng ô nhiễm các nguồn nước ngầm, đặc biệt ở khu vực ven biển...
Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2017, các chỉ số về bảo vệ môi trường của Việt Nam còn khá thấp. Trong 136 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng, mức độ bền vững về môi trường của Việt Nam đứng thứ 129, mức độ chất thải hạng 128, các quy định về môi trường hạng 115, hạn chế về xử lý nước hạng 107 và nạn phá rừng hạng 103…/.
Dương Thái