|
Nếp sinh họat của người dân thật thanh bình, yên ả Ảnh: Hoàng Long |
Thị trấn Cao Phong kì thú với hang núi rồng, với những cái tên hội đủ mùa vụ, phương hướng như: Tây Phong, Bắc Phong, Nam Phong, Xuân Phong, Thu Phong và Đông Phong hiểu là hướng đông hay mùa đông cũng được. Tay người lái xe đảo vô lăng sang trái, từ chối con đường lên Quy Hậu, hướng sâu lên Tây Bắc, anh cho xe chạy theo con đường 12B nhỏ nhắn như đường làng dưới bóng cây che mát. Chỉ cần nhớ lại thời khắc xe chạy giữa hai bên là mướt mát mía, ngô, giữa hai "tà luy xanh” đủ khiến người ta nghĩ đến những nông trại yên ả trong tiểu thuyết của một nhà văn Pháp nào đó. Giữa trưa nắng mà con đường hanh vàng, nếu không gặp những cột số mờ nhoè hẳn đã tưởng đang lạc vào một khu rừng nào đó. Tiếng cho sủa, tiếng lợn kêu dụi mõm vào máng gỗ văng vẳng xa xăm đằng sau những khoảng vườn tược tươi tốt.
Đất Mường Độông (Động) xưa là thế ư? Núi cứ mờ xa hay đứng riêng sang một bên tạo một dáng kì vĩ. Đất cứ phẳng phiu mà xanh ruộng tươi vườn. Qua một ngã ba nhỏ, chúng tôi gặp đôi vợ chồng mới cưới đang loay hoay mang một đoạn ống nước vừa mua ngoài thị trấn. Chẳng cần dò hỏi lâu la hay bắt tay như người đồng bằng, cứ ngồi trên xe mà hỏi thăm nhau cũng đủ tin cậy rồi. Có hai người bạn trẻ đi cùng, câu chuyện giữa buổi trưa đất Mường cổ như được trải rộng ra bằng muôn vàn điều mới mẻ.
Từ cái tâm thế du lãng của người thành phố, phút chốc đã bị mê đắm bởi cảnh sắc và hồn vía một làng quê Việt cổ. Kim Bôi, có cái gì đấy vẫn là miền sơn cước mà cũng rất đồng bằng đúng như câu thơ của một thi sĩ đất Mường đã viết:
Bốn ngả dồn một lối
Trăm suối đổ một sông
Núi đá căng buồm đợi
Biết bao giờ thuyền dong
Ruộng nào phù sa sông
Bãi nào xưa bạt núi?
Sông Bôi như lạc lối
Giữa mường ngoài, mường trong.
(Đinh Đăng Lượng)
Giữa trưa, ngồi trong căn nhà đá hộc mát lạnh mới thấy cài tài của người thợ hồ Mường Đôộng. Mâm cơm xứ bình nguyên đậm đà gam màu xanh của các loại rau vườn nhà. Hoa đu đủ rừng xào đắng tê đầu lưỡi, rượu sáp ong thơm lặng lẽ, người chủ nhà khi đó mới mở lời.
Trong tiếng cồng, tiếng chiêng đất Mường mỗi dịp ngân lên vào ngày khai hạ, tôi như được nghe thấy đủ 4 cung bậc tứ trấn Bi-Vang-Thàng- Động. So với các xứ Mường kia, đất Mường Độộng là độc đáo hơn cả bởi địa thế giáp với xứ Hà Đông ngày trước. Bởi thế, trong lời ăn tiếng nói, nề nếp gia đình của con người nơi đây cũng phảng phất nét thanh tao, hào hoa của người Hà Thành. Bùn đất mà lấp lánh, lam lũ mà sang trọng, qua ngàn đời nay vẫn ánh lên trong đối mắt người con gái mà tôi gặp một nét gì riêng lắm. Em đẹp và quý phái đấy nhưng không dữ dội "ba đào”, ngược lại rất bình yên và tình nghĩa. Em hỏi tôi về những bãi bồi, những miền châu thổ, những triền đê cao vi vút sáo diều. Ở đâu trên đất nước mình lúa chẳng xanh tươi một khát vọng no ấm bình yên, Hạt gạo một nắng hai sương làm ấm bụng con người lam lũ mà không gieo rắc vào lòng người ta những toan tính thiệt hơn. Từ bãi ngô xanh ngoài bãi đê phù sa mùa lũ trước còn bồi tụ đến những thửa ruộng bậc thang chênh vênh ngàn đời nơi bản mường đều nên thơ một cách hồn nhiên và kì diệu. Đất nâu thế, bàn tay chai sạn dám nắng thế mà lúa, ngô, khoai, sắn…chỉ biết mướt xanh như một phép màu.
Chiều Kim Bôi, đất Mường Động xưa trầm từ mờ xa dãy núi phía Tú Sơn, Bình Sơn. Ống kính máy ảnh của anh bạn cùng đi như ngại ngần sương chiều mà ngừng lại. Màu lúa xanh giờ đây đã thẫm hơn, những con đường bê tông trắng xoá như đường chỉ bàn tay nếu một lần từ trên cao nhìn xuống. Đôi vợ chồng trẻ mà chúng tôi đã chia tay ngoài ngã ba xóm Cầu hẳn đã lắp xong cái ống nước dẫn thủy nhập điền. Hạnh phúc ở miền quê yên ả này đơn sơ là thế mà sâu lắng như giọt mật ong vàng trong đáy chiếc chén vàng. Bác chủ nhà từ nãy vẫn lặng yên đứng cạnh tôi giờ đã chếnh choáng hơi men khoát tay chỉ cho khách mà buông một lời thật văn hoa:
-Đàn ong thợ đi kiếm mật hoa khắp các cánh rừng Kim Bôi, khắp các vườn bông của xóm ngoài xóm trong sắp về đấy anh ạ.
Tiếng ong vo ve về tổ, tiếng đàn gà gọi nhau về chuồng, những bác thợ hồ mướt mát mồ hôi đã về qua ngõ. Dậu hoa ngâu xanh lấm tấm vàng như bất kì một miền quê nào của đồng bằng bỗng gợi cho tôi một cảm giác thật lạ. Một cảm giác bình yên như đang ở dưới bóng quê nhà. Bên ngôi nhà đá hộc, mảnh vườn nhỏ và sau lưng là đôi mắt em đang tiễn đưa âm thầm như một lời nhắn nhủ:
- Anh sẽ còn về lại trốn này, với miền quê yên ả như lòng người Mường Động muôn đời.
Theo Bùi Việt Phương
Đại đoàn kết