Cần lắm một cơ chế

Thứ năm, 07/07/2011 07:45
(Thanhtravietnam.vn) - Được đặt ra là một vấn đề “sống còn” đối với việc vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc vẫn là “bài toán” rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành để nơi đây thực sự là “Ngôi nhà chung”, là trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch của đồng bào cả nước.

Cơ chế phù hợp giúp vận hành, khai thác có hiệu quả

Được lựa chọn xây dựng tại Khu nam hồ Đồng Mô, trong chuỗi đô thị Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây - Hà Nội, trên trục Đại lộ Thăng Long kéo dài, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40 km về phía tây, dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức khai trương vào ngày 19/9/2010. Với mục tiêu biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống đất nước, con người Việt Nam đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân và du khách quốc tế… Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu về đời sống văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc đồng thời là một thiết chế văn hoá góp phần bảo tồn, phát huy giá trị và tôn vinh văn hoá các dân tộc Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khoá VIII của Đảng “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hội nghị “Cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc” tháng 4/2010


Xác định rõ yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ của Ban Quản lý trong việc vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc, linh hồn của dự án Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ngay từ đầu, Lãnh đạo Ban Quản lý đã tính đến việc xây dựng “Cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Ngày 19/4/2010, một Hội nghị toàn quốc tập trung trí tuệ của đồng bào các dân tộc, các địa phương, các nhà nghiên cứu cũng như các Ban, Bộ, Ngành hữu quan đã được tổ chức nhằm xây dựng một cơ chế phù hợp giúp cho quá trình quản lý, vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc thực sự đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sau hơn một năm, những nội dung của “Cơ chế” vẫn chưa được thông qua.

Cần lắm một cơ chế

Có mặt tại Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam những ngày này, tham dự vào các hoạt động tại Khu các làng dân tộc, điều chúng tôi thắc mắc về một cơ chế đối với sự có mặt của đồng bào cũng chính là trăn trở của Ban Quản lý.

Chia sẻ với chúng tôi về điều này, ông Nông Hoàng Thụ, Giám đốc Khu các làng dân tộc cho biết: Trước mắt, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch huy động luân phiên đối với các cộng đồng dân tộc, để đồng bào có mặt và trình diễn các hoạt động văn hoá nhằm giới thiệu với du khách những đặc sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chúng tôi cũng gặp phải những khó khăn nhất định, bởi đến thời điểm này vẫn chưa có một cơ chế cụ thể, xác thực cho sự có mặt của đồng bào tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm trình diễn các hoạt động văn hoá cũng như hoàn thiện không gian văn hoá của các làng dân tộc nơi đây.

Một trong chuỗi hoạt động trong Festival thanh niên các dân tộc Việt Nam diễn ra tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam


Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đầu mối trực tiếp xây dựng “Cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc” cho biết: Ngay từ đầu chúng tôi đã nhất quán một nguyên tắc xuyên suốt, đó là để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình, vì thế, trong toàn bộ các khâu từ thiết kế, thi công cho đến vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đều có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc. Đến thời điểm này, chúng tôi đã xây dựng và cơ bản hoàn thiện các nội dung của “Cơ chế” báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề như: việc các cộng đồng dân tộc luân phiên tham gia vào các hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được thực hiện như thế nào, chính sách đối với đồng bào trong thời gian tại đây ra sao… Tất cả những vấn đề đó cần phải được xem xét, tính toán thật kỹ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Phải có cơ chế phù hợp đối với đồng bào dân tộc và các địa phương trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc, đó là trăn trở không phải một sớm một chiều có thể tháo gỡ được. Những nội dung đưa ra tại Hội nghị Cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc (19/4/2010) và thực tiễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sau hơn một năm chính là tiền đề để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án có ý nghĩa “sống còn” này. Mong muốn đó không chỉ của riêng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mà còn là nguyện vọng của đồng bào 54 dân tộc anh em về một Ngôi nhà chung thấm đượm hương đời và tình người.

Hà Tuấn

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra