Chia sẻ, hiến kế, đưa giải pháp để các cơ quan hành chính luôn công khai, minh bạch

Thứ tư, 15/07/2020 09:53
(ThanhtraVietNam) – Trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Quốc gia: “Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam” để cùng nhau chia sẻ, hiến kế, đưa giải pháp để các cơ quan hành chính luôn công khai, minh bạch.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan như: Tác động của cơ chế, chính sách, cách thức vận hành của bộ máy hành chính Nhà nước, cơ chế giám sát của Nhân dân đến việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; giải pháp công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác cán bộ, an sinh xã hội; giải pháp thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch và giải trình trong lĩnh vực đầu tư công; hoạt động truyền thông thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước; vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước...

Hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực hiện có hiệu quả

Theo PGS.TS Bùi Thị Thảo, Trường Đại học Luật Hà Nội, thời gian qua, hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được các cơ quan Nhà nước thực hiện một cách có hiệu quả, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Các chính sách về tổ chức bộ máy hành chính, về phân công, phối hợp giữa các cơ quan cũng như trách nhiệm của cơ quan hành chính, cán bộ công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước.

Cụ thể, vai trò của Chính phủ được đề cao; thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước được xác định rõ ràng hơn, hợp hơn xét theo cả chiều dọc và chiều ngang, vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa đặt ra yêu cầu cao hơn cho việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Mặt khác, phân định rõ hơn giữa thẩm quyền của tập thể với thẩm quyền của người đứng đầu, thẩm quyền của người đứng đầu tập thể tăng lên, trách nhiệm cá nhân được đề cao.

Bà Thảo cũng cho rằng, tác động của cách thức vận hành của bộ máy hành chính Nhà nước, cơ chế giám sát của Nhân dân đến việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ động thực hiện thẩm quyền hoặc thực hiện thẩm quyền trong trường hợp pháp luật quy định cơ quan hành chính được tùy nghi thì cơ quan hành chính cũng có thể phải e dè về sự công khai, minh bạch trong hoạt động của mình và sẽ khó khăn khi thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, trong các cơ chế giám sát của Nhân dân, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân chính là một phần của chính sách phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đã được đề cập. Ý nghĩa nhất phải kể đến cơ chế giám sát của Nhân dân thông qua việc trực tiếp việc thực hiện các quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu cung cấp thông tin.

"Khi thực hiện các quyền này, Nhân dân yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, cán bộ, tổ chức trong cơ quan hành chính, báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính (tố cáo), cung cấp thông tin trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan hành chính về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của các cơ quan đó", bà Thảo nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp đảm bảo thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, bà Thảo cho biết, về phía Nhà nước cần thấm nhuần tư tưởng Nhà nước nói chung và nền hành chính nói riêng có nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phục vụ Nhân dân. Khi đấy, công khai, minh bạch là điều hoàn toàn tự nhiên, không còn trở ngại, rào cản nào cho việc thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan hành chính. 

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A

Công tác cán bộ phải thật minh bạch, công tâm và khách quan

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Học viện Hành chính Quốc gia đã đề xuất giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch và giải trình trong công tác cán bộ. Theo đó,  tiếp tục cam kết chính trị về công khai, minh bạch và giải trình trách nhiệm trong công tác cán bộ ở cả hệ thống chính trị, từ những cấp lãnh đạo cao nhất trong bộ máy của Đảng và Nhà nước; thực hiện nghiêm túc quyền tiếp cận thông tin và các quy định về phạm vi, trình tự, thủ tục để công dân tiếp cận tài liệu, hồ sơ do các cơ quan Nhà nước lưu giữ; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm giải trình.

Theo ông Hiệp, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” vì “cán bộ là gốc của công việc” và “công việc thành công hoặc thất bài đều do cán bộ tốt hay kém”. Muốn vậy, công tác cán bộ phải thật minh bạch, công tâm và khách quan. Thời gian vừa qua, việc lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ đang diễn ra một cách tinh vi, phức tạp và không dễ nhận biết.

"Một mặt, xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế không chỉ tạo điều kiện, môi trường cho cá nhân tự giác tuân thủ pháp luật, nguyên tắc tổ chức. Mặt khác, thể chế, cơ chế đó phải tạo ra đột phá vào những khâu còn tạo lỗ hổng cho chạy chức, chạy quyền, lạm dụng quyền hạn, chức vụ. Công khai, minh bạch các khâu, các hoạt động của công tác tổ chức và cán bộ, xoá bỏ quan niệm xem công tác cán bộ là bí mật, nhạy cảm - điều kiện cho giám sát công tác cán bộ", ông Hiệp nói.

Theo đó, ông Hiệp nhận định, cần tập trung “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tậm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 204, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng

Về giải pháp thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực đầu tư công, ông Vũ Nhật Tân, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, cần tập trung phát triển hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, xem đây là công cụ hữu hiệu và toàn diện cho việc quản lý hoạt động đầu tư công trên toàn quốc. Nghị định 40/2020 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công mà một trong những điểm đáng chú ý ở đây là việc quy định bắt buộc dự án đầu tư công để giải ngân kế hoạch vốn cần có danh mục và số liệu giao kế hoạch hằng năm trên hệ thống.

Chấn chỉnh ý thức của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất, nâng cao chất lượng báo cáo. Ông Tân cho biết, thực tế triển khai cho thấy một trong những lý do chính của việc cán bộ, cơ quan TW và địa phương chưa đảm bảo chất lượng trong việc thực hiện chế độ báo cáo vì ngay cả những bộ, cơ quan TW và địa phương này cũng chưa nhận thức đủ và rõ rệt về trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện chế độ báo cáo được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phổ biến pháp luật đến người dân và cộng đồng, trong đó tập trung cụ thể vào quyền giám sát của người dân và cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước phụ trách đầu tư công cần đẩy mạnh việc công khai minh bạch, công bố thông tin về đầu tư công trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Cần đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến để tất cả các thành phần Nhân dân có thể tiếp xúc, không hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đồng thời, việc công bố thông tin cần đến từ hai phía, một là cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện dự án và hai là cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về đầu tư công, các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Qua đó, nâng cao chất lượng của phản biện xã hội, tạo cơ sở để đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong đầu tư công", ông Tân nhận định./.

Lan Anh

 




Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra