COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu

Thứ ba, 16/05/2023 12:54
(ThanhtraVietNam) - Đó là tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về đại dịch COVID-19. Và đâu là lý do để WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC)? Với tuyên bố này, có phải là đại dịch COVID-19 đã chấm dứt? Và có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa?

Cần thận trọng trong việc có nên coi COVID-19 là bệnh theo mùa

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới đã có công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại toàn cầu theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, theo đó COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu”.

WHO đã căn cứ vào một số lý do để đưa ra công bố quan trọng này, cụ thể: dựa trên tình hình dịch tễ học về xu hướng giảm trên toàn cầu trong thời gian gần đây về số ca tử vong, số ca nhập viện, đặc biệt là giảm số ca phải chăm sóc tích cực (ICU). Hiện tại, phân tích dữ liệu cho thấy không có sự gia tăng mức độ nghiêm trọng về lây truyền dịch bệnh đối với các biến thể đang lưu hành. Đã 3,5 năm qua kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng cao nhờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và miễn dịch tự nhiên do số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng rất nhiều. Và đó là một lý do rất quan trọng để WHO đưa ra quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19.

Tiếp đó, đã đến lúc thế giới cần phải thay đổi những công cụ để ứng phó và phòng, chống COVID-19. COVID-19 không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa, vi rút đã và đang tồn tại. Chính vì vậy, thay vì quản lý theo tình trạng khẩn cấp, chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý dài hạn và bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch hoặc COVID-19 không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam. Một ví dụ chúng ta có thể thấy rõ là đang có sự gia tăng số ca mắc gần đây ở Việt Nam. Việc công bố này cũng không có nghĩa là vi rút đã biến mất hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn.

Và điều chắc chắn là nhân loại không được mất cảnh giác, sẽ là tồi tệ nhất nếu các quốc gia sử dụng công bố của WHO làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân rằng COVID-19 không có gì phải lo lắng.

Trước băn khoăn, có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa? Đại diện của WHO cho biết, có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh COVID-19, đó là cả hai bệnh này đều do tác nhân gây bệnh đường hô hấp.

Tuy nhiên, cần thận trọng về việc có nên coi COVID-19 là bệnh theo mùa, bởi từ tất cả các đợt bùng phát ở các quốc gia, chúng ta thấy rằng COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông. Tiếp đó, COVID-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới với nhân loại. Trong khi các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, từ các dữ liệu dịch tễ học, dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của vi rút, và vi rút ảnh hưởng khác nhau với nhóm dân số khác nhau như thế nào.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Bây giờ không phải là lúc để thư giãn và buông lỏng cảnh giác

Còn với COVID-19, thế giới mới có hơn ba năm nghiên cứu về nó. Như vậy có thể nói rằng quá sớm để nói chúng ta có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của COVID-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là COVID-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững COVID-19.

Ở một khía cạnh khác, khi trao đổi về các biện pháp phòng chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện, WHO đánh giá rất cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam đối với đại dịch COVID-19, đặc biệt là ngay từ khi đại dịch vừa mới bùng phát. Ngay từ thời điểm đó, Việt Nam đã có sự điều chỉnh hết sức hợp lý trong cả các biện pháp y tế công cộng cũng như các biện pháp xã hội khác để đảm bảo phòng, chống COVID-19 hiệu quả.

Có thể kể ra, đó là năng lực rất mạnh mẽ về phát hiện và đáp ứng sớm; năng lực giám sát tốt, điều này rất quan trọng trong việc ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới; các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ và giãn cách xã hội khi cần thiết; cộng đồng tuân thủ tốt các biện pháp bảo vệ cá nhân - ví dụ như đeo khẩu trang - cũng như tuân thủ giãn cách xã hội khi cần thiết. Và trên hết là năng lực hệ thống y tế tốt, có khả năng tăng cường quy mô và chuẩn bị sẵn sàng cho sự gia tăng đột biến số ca mắc.

WHO đánh giá, thông qua tất cả các biện pháp này, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giữ cho số lượng ca mắc và tỉ lệ tử vong tương đối thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch cho đến khi có vắc xin. Và khi có vắc xin, Việt Nam đã xuất sắc thực hiện triển khai tiêm chủng vắc xin. Tốc độ và quy mô của việc triển khai tiêm chủng là vô cùng ấn tượng, đặc biệt là nỗ lực đảm bảo rằng vắc xin đến được với tất cả mọi người ở mọi miền trên đất nước. Đây chính là một trong những câu chuyện thành công về ứng phó với COVID-19 của Việt Nam mà WHO thường nêu bật và lan tỏa.

Tuy nhiên, đại diện của WHO cũng nhấn mạnh, bây giờ không phải là lúc để thư giãn và buông lỏng cảnh giác. Và trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang “quản lý bền vững” vi rút cách đây 18 tháng. Chúng ta nên nghĩ về cách quản lý vi rút dài hạn, thay vì ứng phó khẩn cấp, và bây giờ không phải là lúc để nới lỏng bất kỳ biện pháp chống dịch nào, đặc biệt là khi chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc bệnh, số ca nhập viện, số ca phải chăm sóc đặc biệt (ICU), mặc dù số ca tử vong cho đến nay không tăng đột biến. Đó là kết quả của việc đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng rất cao, cũng như những nỗ lực đáng kinh ngạc của các nhân viên y tế.

Cách đây hơn 3 năm,  vào ngày 30/1/2020 WHO công bố COVID-19 là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tại thời điểm đó, có khoảng gần 100 ca mắc ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc và chưa ghi nhận ca tử vong. Và như chúng ta đã biết, nhiều đợt bùng phát đã xảy ra sau đó và trong 3,5 năm qua. Theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, sự bùng phát các ca bệnh có đủ yếu tố cầu thành Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, trên cơ sở sự bùng phát các ca mắc là một sự kiện chưa từng có tiền lệ đe dọa an ninh y tế công cộng toàn cầu, có nguy cơ lây lan ra nhiều quốc gia và cần sự phối hợp ứng phó ở cấp độ toàn cầu.  Tổng giám đốc của WHO đã chấp thuận đề xuất của Ủy ban khẩn cấp nâng cấp cảnh báo lên cao nhất theo Điều lệ y tế quốc tế và công bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại quốc tế./.

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra