'Di sản văn hóa' thiếu liền anh
Thứ bảy, 03/09/2011 07:43 (GMT+7)
Dù được các cơ quan chức năng, các nghệ nhân tìm mọi cách để bảo tồn giá trị truyền thống nhưng dân ca quan họ, di sản văn hóa thế giới của Việt Nam, đang đối mặt với một thử thách mới: thiếu những liền anh.
“Nếu không còn các liền anh thì sẽ mất đi gái trị truyền thống và quan họ sẽ bị chuyển sang một trường phái khác. Đúng là hiện nay hát quan họ không còn đối đáp như ngày xưa nữa mà như một hình thức biểu diễn văn nghệ mà thôi”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, cho biết.
Liền anh mai một
Bản chất của hát Quan họ là đối đáp trai gái và là thú chơi tình nghĩa của người Kinh Bắc thời xưa. Khi hát, một bên sẽ ra lời bằng một làn điệu và bên kia sẽ đối lại bằng một làn điệu khác tương ứng cả về ý lẫn tình. Cái hay, cái đẹp là vậy, nhưng giờ đây lại đang có nguy cơ mai một, bởi số lượng liền anh ngày càng ít đi.
|
Một lớp học quan họ tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh, với 14 bé gái, 1 bé trai. |
Ở Bắc Ninh, hầu như ở làng quan họ cổ nào cũng có một câu lạc bộ quan họ sinh hoạt. Ngoài việc là chốn cho những liền anh liền chị tụ họp hát quan họ, đây còn là nơi để những nghệ nhân truyền dạy lại những làn điệu cổ cho các em nhỏ trong làng. Có những làng, phong trào này rất sôi nổi nhưng chủ yếu là các em gái, số em trai theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hình (làng Bồ Sơn, TP Bắc Ninh) cho biết: “Tôi dạy quan họ cho các em gần hai chục năm nay nhưng các em nam tham gia rất ít. Có lớp hơn chục cô nữ chỉ có một anh nam”.
Hay như, tại nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, nơi luôn có từ một đến ba lớp năng khiếu quan họ, tình hình cũng không khá hơn là bao. Cô Nguyễn Thị Bích Thược cho biết: “Từ trước đến giờ lúc nào cũng thế, nam học rất ít. Mỗi lớp chỉ có khoảng một hai em nam theo học. Có những em hát rất tốt nhưng không hiểu vì sao đang học lại bỏ giữa chừng”.
Hình thức văn nghệ?
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, giờ đây khi Quan họ thiếu liền anh nên hát quan họ chỉ là hình thức văn nghệ chứ không phải chơi quan họ như xưa. “Sau nhiều năm, hát Quan họ chỉ còn là đơn ca, tốp ca chứ không còn là hát đối đáp trai gái nữa”, ông Hiền nói.
Ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh, cho biết từ năm học 2011 ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục của tỉnh đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy tại các trường cho học sinh từ mầm non đến cấp phổ thông. Đây là định hướng bảo tồn và phát triển làn điệu Dân ca Quan họ theo cam kết của Việt Nam với UNESCO khi Quan họ được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Theo ông Túc đây là một cách làm tích cực và cũng là cách khuyến khích các liền anh tham gia nhiệt tình vào việc hát Quan họ. |
Đồng tình với nhà nghiên cứu này, ông Lê Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cho biết nếu không còn các liền anh thì sẽ mất đi cái truyền thống và chuyển sang một trường phái khác. Ông cũng khẳng định, quan họ ngày nay không còn là đối đáp ngày xưa mà như một hình thức biểu diễn văn nghệ mà thôi.
Thực tế là việc thiếu liền anh hiện nay đã dẫn đến tình trạng có những liền chị đã lớn tuổi hát rất hay nhưng không biết hát với ai, đành hát với liền anh trẻ. Nguyên nhân dân đến tình trạng này, theo ông Hiền, đó là do đứt đoạn truyền thống cộng thêm những ảnh hưởng từ xã hội hiện đại. Cho nên những người hát quan họ hiện đại cũng phải mang đàn Organ ra đệm. Người ta gọi đó là văn minh, hiện đại, quan họ cổ người ta lại nói rằng chỉ dành cho các cụ già.
Bản thân những nghệ nhân cũng rất lo ngại về thực trạng này. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hình, nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu liền anh là do các gia đình hiện nay muốn các em tập trung vào việc học văn hóa ở trường hay học những môn năng khiếu khác hơn là học hát quan họ. Lớn hơn chút nữa các em lại phải đi học, đi làm để nuôi gia đình, thoát ly khỏi làng hoặc không có thời gian để học hát. Hoặc nếu có được những em có giọng tốt thì lại thích học hát những dòng nhạc hiện đại chứ nhất định không chịu học quan họ. “Vì thế, mỗi khi lớp có học sinh nam là tôi quan tâm đặc biệt, thường xuyên động viên các em, trò chuyện với gia đình để các em kiên trì theo học”, cô Thược cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, muốn giữ được lửa truyền thống cho Quan họ cần góp được các đôi nam nữ đều nhau giống như các cụ ngày xưa đi kết nghĩa. Do đó, “để làm được cần phải đầu tư, phải trả tiền thì các em mới học chứ không phải cứ kêu gọi ai tình nguyện đi học đâu” ông nói./.
Theo Thanh Ngọc, Thương Huyền
Báo Đất việt
dotuanh