Ở các tỉnh miền Nam, nói đến nghề đan lát thủ công, nhiều người liên tưởng ngay đến làng nghề truyền thống tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Tồn tại ngót 100 năm ở đất Sài Gòn - Gia Định, Thái Mỹ được mệnh danh là cái nôi của sản phẩm mây, tre, trúc như: bàn ghế, thúng, nia, giần, sàng, giỏ xách,… Vậy mà vài năm trở lại đây, làng nghề đan lát truyền thống Thái Mỹ chỉ hoạt động cầm chừng, thoi thóp…
 |
Nghề đan lát ở xã Thái Mỹ được truyền qua nhiều thế hệ
Ảnh: S. XANH |
Đan lát - nghề cha truyền con nối
Một ngày trung tuần tháng tư, đặt chân đến Thái Mỹ trong cái nắng chói chang mùa hè phương Nam, không khí nóng nực được xua tan bởi những rặng tre, trúc cao vút xanh mướt một màu cứ dần dần hiện ra trước mắt. Không có quá nhiều đất để quy hoạch cây nguyên liệu này, cho nên người dân địa phương thường trồng trúc dọc hàng ranh. Đồng thời bà con vẫn tận dụng những khoảng đất trống bất kỳ ở đâu nhằm đáp ứng được phần nào đó cho nhu cầu sản xuất hằng ngày. Là nguyên liệu sản xuất, không biết từ bao giờ cây trúc đã phủ dày một màu xanh đặc thù của đất Thái Mỹ ở quê hương "đất thép thành đồng” Củ Chi.
Dạo quanh một vòng trong xã Thái Mỹ, chúng tôi chứng kiến cảnh người người thi nhau cưa tre, chẻ trúc, đan lát sản phẩm. Từ người già đến người trẻ đều tập trung cao độ với mong muốn tạo ra sản phẩm đẹp mắt, chất lượng. Tay thoăn thoắt đan cọng dây cuối cùng ở vành thúng để hoàn thành sản phẩm, bà Lê Thị Trang không ngừng chia sẻ: "Đây là nghề cha truyền con nối của chúng tôi. Trước đây cha mẹ tôi cũng sống bằng nghề này. Năm 10 tuổi tôi đã theo nghiệp của cha mẹ và duy trì đến bây giờ”. Bà Trang cho biết: Vợ chồng bà đã nuôi các con ăn học bằng nghề đan lát. Giờ tuổi già sức yếu nhưng vẫn bám với nghề để phụ con cháu kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. "Nghề này ngấm vào trong máu rồi, giờ không làm nghề này chẳng biết làm gì” - bà tâm sự. Theo nghề từ hồi trước giải phóng nên đối với những cư dân địa phương, bà Trang được coi là chuyên gia đan lát "cừ khôi” khó ai qua mặt được.
Do là một nghề truyền thống nên hầu hết chẳng cần cái duyên nào khác giúp người dân "quyện” với nghề mà chủ yếu do "cha truyền - con nối”. Khi bám với nghề rồi thì khó mà bỏ ngang, mặc dù thu nhập không cao nhưng nghề đan lát này phần nào giúp gia đình chị Lê Thị Gái (ấp Bình Thượng 1) qua tình trạng chạy vạy kiếm miếng cơm hằng ngày. 19 năm theo nghề đan lát chưa bao giờ chị Gái có ý định bỏ nghề. Để có được thu nhập từ nghề này, chị phải thức khuya dậy sớm cần mẫn và tỷ mỉ với công việc chẻ nan, đan thành phẩm. "Siêng nhặt chặt bị” thôi chứ giờ làm gì cũng khó. Vào mùa hè thu nhập của gia đình tôi tăng cao hơn vì đứa con trai học lớp 5 cũng phụ giúp tôi đan lát!” - lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Giá cho biết.
 |
Thu nhập không cao song người dân vẫn gắn bó với nghề đan lát |
Duy trì cầm chừng, khó phát triển
Nghề đan lát truyền thống nghe tưởng là đơn giản nhưng thực tế rất phức tạp vì cần chất mỹ thuật và kỹ thuật. Đặc biệt, để tạo ra được một sản phẩm chỉ có giá từ 5.000 - 25.000 đồng cũng phải mất rất nhiều thời gian. Theo quy trình đan lát, gồm: chặt trúc, cưa đoạn, ra vóc, trẻ nan, đan thành phẩm, cuối cùng là hoàn thành sản phẩm. Người thợ có thể làm số lượng bao nhiêu trong một ngày tùy từng loại sản phẩm. Sản phẩm hoàn thành được các thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom, bán đi các địa phương lân cận. Dần dần "tiếng lành” về sản phẩm đan lát được đồn xa, cho nên thị trường sản phẩm của làng nghề Thái Mỹ được mở rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Giảm bớt quá trình thủ công và rút ngắn thời gian làm sản phẩm, gần đây người dân Thái Mỹ sáng tạo ra chiếc máy róc trúc và ép vành. Khá giả hơn, nhiều cơ sở nhỏ còn lên kế hoạch "cơ giới hóa”, nhập máy chẻ nan từ Đài Loan về, khép kín khâu sản xuất nguyên liệu đan.
Theo lời kể của người dân địa phương, đã có thời điểm nghề đan lát Thái Mỹ phát triển cực thịnh khi nhà nhà, người người làm nghề đan lát. Tuy nhiên, gần đây chỉ còn khoảng 300 hộ còn bám với nghề thay vì trước đây là hơn 1.000 hộ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thu nhập quá thấp, trung bình 20 - 30 ngàn đồng/ngày/người. Thêm vào đó, thị hiếu của thị trường thời kinh tế mở cửa chuyển sang chuộng những sản phẩm làm từ nhựa, nhôm, inox bởi sự tiện dụng của nó. Ngồi chẻ những chiếc nan tre, bà Lê Thị Trang phân trần: "Trước đây, cả xã làm nghề đan lát. Mỗi ấp kiêm nhiệm một sản phẩm khác nhau. Bản thân gia đình tôi cũng sống chủ yếu dựa vào nghề này. Nhưng vài năm trở lại đây, thanh niên chê nghề này tiền công quá thấp, chỉ có những người già như tôi lâu lâu đan vài cái rổ, cái rá cho đỡ buồn. Riết rồi, nghề này cũng mất thôi!”. Trăn trở với nghề đan lát trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho rằng: "Xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa thì việc phát triển làng nghề này rất khó khăn. Địa phương đang cố gắng duy trì làng nghề chứ không dám nghĩ đến phát triển vì điều kiện phát triển hoàn toàn khó khăn”.
Nhu cầu thị trường hạn chế, nguyên liệu đầu vào thiếu, giá cả đầu ra sản phẩm "rẻ bèo” là vậy nhưng làng nghề chưa một ngày ngưng hoạt động. Bởi ngoài mưu sinh, thì người dân Thái Mỹ vẫn nặng lòng với cây tre, khóm trúc, bụi mây để cho ra những sản phẩm đan lát mang tính ứng dụng hơn, để rồi nhiều bà con vẫn chưa hết hy vọng từng bước "chinh phục” thị trường nội địa cũng như nước ngoài.
Theo Thanh Giang
Đại đoàn kết