(ThanhtraVietnam) - Tổ chức triển khai Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam gắn với các chương trình, kế hoạch công tác dân tộc, nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Đưa việc triển khai thực hiện đi vào chiều sâu, có nội dung thiết thực, có tác động tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách dân tộc.
Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các nội dung Chương trình khung các hoạt động “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” một cách toàn diện và thiết thực. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, thể thao vững mạnh ở cơ sở. Các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam bám sát vào tình hình thực tế, phù hợp với từng vùng, miền, từng dân tộc đảm bảo chất lượng và hiệu quả nhằm giúp các dân tộc - đa số và thiểu số hiểu về nhau hơn, gần gũi nhau hơn, quý trọng nhau, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong cả nước và ở từng vùng, từng địa phương, nâng cao ý thức tôn trọng, tương trợ giúp nhau về mọi mặt, nhằm khơi dậy trong lòng đồng bào các dân tộc ý thức tự giác, lòng tự hào, trách nhiệm của dân tộc mình trong ngày tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá hình ảnh và nền văn hóa của các dân tộc với cả nước và bạn bè quốc tế.
Các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền và phổ biến cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng bản làng theo nếp sống văn hóa. Nhân rộng mô hình gia đình văn hóa, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong đồng bào dân tộc bằng những nội dung cụ thể: Gia đình hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, phát triển kinh tế ổn định, giúp nhau làm giàu chính đáng, xoá đói giảm nghèo; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội; sống và làm việc theo pháp luật. Vận động đồng bào các dân tộc nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng làng (thôn, ấp, bản) đạt danh hiệu “Làng văn hóa” trong đó thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Mở rộng và nâng cao chất lượng làng văn hoá gắn với xây dựng hệ thống thông tin, truyền thanh cơ sở nhằm từng bước nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn: liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi các môn thể thao ở nông thôn nhằm khuyến khích hạt nhân văn hóa, thể thao làm nòng cốt; duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, khu thể thao cấp thôn gắn với phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản) văn hóa. Tạo điều kiện để người dân ở nông thôn tham gia sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống…
Triển khai Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam là hoạt động thiết thực của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cơ bản làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc, miền núi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được phát huy. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phong trào tập luyện, thi đấu thể thao, nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Ngoài những kết quả đạt được cũng còn có những khó khăn vướng mắc đó là việc thi công các công trình trong Làng văn hóa, Du lịch Việt Nam còn chậm, nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa ẩm thực, nơi nghỉ còn khó khăn làm ảnh hưởng đến du khách trong nước và quốc tế tham quan./.
Nhất Anh