Sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh áo trắng

Thứ bảy, 27/02/2021 05:13
(ThanhtraVietNam) – Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để tri ân, thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn đối với các y, bác sĩ - những người một lòng tận tâm cống hiến không quản khó khăn, gian khổ vì sức khỏe của người bệnh. Năm nay, ngày Thầy thuốc càng trở nên ý nghĩa và thiêng liêng hơn khi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn y, bác sĩ vẫn đang miệt mài với công cuộc chống đại dịch Covid-19.

Đầu năm 2021, Việt Nam đã phải đối mặt với một đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Hải Dương, Quảng Ninh, sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến sáng ngày 26/02/2021, Việt Nam có tổng cộng 1.520 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 827 ca.

Kết quả, Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 1.804 ca (cả các ca nhập cảnh). Để có được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ y, bác sĩ. Những “chiến binh áo trắng” đã vượt qua khó khăn, làm việc ngày đêm để phân tích, truy vết và tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, nhất là những ca Covid-19 nặng.

Những ngày qua với Hải Dương là những ngày không thể nào quên. Không chỉ đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh Hải Dương được huy động mà đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước đã xung phong, được điều động đi “tuyến đầu” chống dịch. Họ đã đón Tết Nguyên đán Tân Sửu trong bệnh viện và luôn nêu cao ý chí, quyết tâm cùng làm việc hết công suất, năng lực để giúp nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

leftcenterrightdel
 Điều dưỡng Nguyễn Danh Quang bên chiếc xe cấp cứu quen thuộc để di chuyển, lấy mẫu tại TP. Chí Linh. (Ảnh: Bộ Y tế)

Là một điều dưỡng trẻ của Khoa Khám bệnh và cấp cứu, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương, anh Nguyễn Danh Quang (sinh năm 1995) được Sở Y tế Hải Dương điều động để tiếp ứng cho Bệnh viện Dã chiến số 1 đóng tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh.

Ngay từ đầu mùa dịch, anh và các đồng nghiệp đã tự lên dây cót tinh thần để sẵn sàng “tham chiến” bất kể lúc nào nhận được lệnh. Khoảnh khắc nhận thông báo sẽ xuất phát vào Chí Linh, anh cảm giác rất vui mừng vì đã có cơ hội được giúp các đồng nghiệp đang vất vả những ngày qua.

Tuy nhiên, những ngày làm việc vừa qua ở tâm dịch Chí Linh, không hiếm có những lúc anh Quang và các y bác sĩ chạnh lòng. Bởi nhiều lúc đến nhà người dân lấy mẫu, họ chưa hiểu nên sinh tâm lý lo sợ, giận dữ đối với anh. Rồi lại thấy những ý kiến trên mạng xã hội chưa hài lòng với công tác xét nghiệm của Hải Dương. Có hôm, nhận được yêu cầu phải lấy khẩn cấp 1.000 mẫu xét nghiệm trong một xã; cấp trên giục liên tục, anh em làm hết sức, trời đã nhá nhem tối mà vẫn còn tận 800 mẫu. Khoảnh khắc đó, anh và những đồng nghiệp của mình vừa sốt ruột lại vừa có chút chạnh lòng.

leftcenterrightdel
 Cảnh lấy mẫu trong đêm tại một hộ gia đình của anh Quang. (Ảnh: Bộ Y tế)

Không chỉ lấy mẫu, điều vất vả nhất với người làm công việc lấy mẫu như anh Quang chính là nói chuyện, truyền đạt với bà con qua lớp đồ bảo hộ kín bưng. Vì mỗi khi muốn giải thích cho bà con về quy trình lấy mẫu, gần như họ phải hét lên, hôm nào về, cổ họng cũng khản không nói ra thành lời. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ phía trước ai cũng thấy mạnh mẽ mà vượt qua tất cả.

Đặc biệt, anh Quang còn được nhận nhiệm vụ đi giao mẫu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Mỗi ngày, anh chỉ được ngủ trung bình 4-5 tiếng, nhiều hôm, 3h sáng, anh mới bắt đầu xuất phát từ Trung tâm Y tế TP. Chí Linh. Chia sẻ về khoảnh khắc đi trên xe, trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm, phút giây nghĩ về nghề thật đặc biệt, ngồi cạnh nhau, anh Quang và đồng nghiệp thường hay nói đùa: “Sao ông trời sắp đặt mình chọn cái nghề này nhỉ?”. Rồi lại nghĩ đến câu nói của mẹ lúc tiễn anh lên đường: “Chống dịch hơn chống giặc, các con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé”, thế là anh xúc động, nước mắt lưng tròng. 

leftcenterrightdel
 Điều dưỡng Quang đang kiểm mẫu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Bộ Y tế)

Điều đáng quý nhất, không chỉ anh Quang mà gia đình anh có hẳn “3 chiến sĩ áo trắng tham gia chống dịch”. Anh trai của Quang là bác sĩ Nguyễn Danh Sáng (sinh năm 1990, công tác tại Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng). Chị dâu là điều dưỡng Bùi Thị Chung (sinh năm 1991, điều dưỡng Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương). Cả hai anh chị của anh đều đã tham gia công tác chống dịch từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa về.

Những chia sẻ, tâm sự của chàng điều dưỡng trẻ Nguyễn Danh Quang không khỏi làm mỗi chúng ta xúc động, phải suy nghĩ và càng thấy thêm trân quý đội ngũ y, bác sĩ – những người trên tuyến đầu chống dịch.

Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2021), kính chúc những người đã, đang làm trong ngành Y tế, nhất là những “chiến binh" ở tuyến đầu luôn mạnh khoẻ, đoàn kết, nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để đưa ngành Y tế Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt để nhanh chóng kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra