Một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, tới đây, phần lớn các khâu trong hoạt động kinh doanh của các TCTD phải đặc biệt quan tâm tới rủi ro an toàn hệ thống nên phải chuyển từ thanh tra tuân thủ, sang thanh tra rủi ro.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của bất kỳ ngành nào cũng có vai trò quan trọng, nhưng với hoạt động tín dụng ngân hàng lại càng có ý nghĩa thực tiễn. Bởi, hoạt động ngân hàng liên quan tới nhiều lĩnh vực, nên ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, hoạt động ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, bền vững. Cách đây gần 5 năm, một tổ chức có quy mô Tổng cục chuyên trách về hoạt động thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng được thành lập với tên gọi Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH).
Thời ấy, tín dụng vẫn tăng trưởng nóng, nợ xấu chưa rạch ròi đặt tên. Nhưng có lẽ, những người làm ngân hàng thời điểm đó đã dự báo được sự cần thiết và tầm quan trọng của lĩnh vực này trong tương lai. Cùng với sự phát triển mạnh của hệ thống ngân hàng cả về chiều rộng và chiều sâu nên hoạt động TTGS cũng ngày một lớn mạnh.
Đơn cử như năm 2013, Cơ quan TTGSNH đã thực hiện tổng số hơn 987 cuộc thanh tra, 310 cuộc kiểm tra. Qua đó, một số vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm: như vi phạm yếu kém trong hoạt động cấp tín dụng; vi phạm quy chế cho vay; vi phạm giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng; cho vay đảo nợ dưới nhiều hình thức…Và Cơ quan TTGSNH đã phải ra quyết định xử lý, xử phạt hàng trăm cá nhân và tổ chức vi phạm.
Tính hiệu quả, tiếng nói có “trọng lượng và quyền uy” của cơ quan thanh tra Ngành đã được thể hiện và kiểm nghiệm trong một sự kiện thực tế. Đó là trong một buổi họp 3 bên giữa Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Cơ quan TTGSNH và các TCTD. Trước tình hình lúc bấy giờ nhiều TCTD vẫn chần chừ, che giấu, chưa có kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC thì vị lãnh đạo của Cơ quan TTGSNH đã chính thức có ý kiến mang tính cảnh báo: nếu các TCTD vẫn che giấu nợ xấu, Cơ quan TTGS sẽ gửi thông báo tỷ lệ nợ xấu của từng TCTD về đơn vị. Sau cuộc họp không lâu, các TCTD đã “rầm rầm” bán nợ cho VAMC.
Mới đây, bằng những quy định mới của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, một lần nữa, khẳng định vị thế của Cơ quan TTGSNH trong hoạt động của ngành Ngân hàng giai đoạn tới. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan TTGSNH cho biết, Nghị định 26 giao nhiệm vụ TTGSNH có phạm vi rộng hơn, bao quát đầy đủ 4 khâu của quá trình quản lý, thanh tra, giám sát đối với các TCTD là: cấp phép; xây dựng quy chế về an toàn hoạt động ngân hàng; giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ; và xử lý vi phạm. Những quy định này hướng tới thực hiện theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế của Ủy ban Basel.
Như vậy, có thể khẳng định, nhiệm vụ của TTGSNH đã được đẩy lên một bước dài mà nếu nhìn lại, các hoạt động tái cơ cấu hệ thống, xử lý nợ xấu sẽ phải song hành cùng với công tác thanh tra trong thời điểm hiện tại và tương lai thì mới đạt được kết quả, để hệ thống ngân hàng đủ mạnh, có những ngân hàng tầm cỡ khu vực.
Một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng: TTGSNH của Việt Nam đang hoạt động theo mô hình thanh tra tập trung và tuân thủ. Có nghĩa là chủ yếu thanh tra, kiểm tra xem các ngân hàng có lách chính sách và không thực hiện đúng quy định chỗ nào. Nhưng tới đây, phần lớn các khâu trong hoạt động kinh doanh của các TCTD phải đặc biệt quan tâm tới rủi ro an toàn hệ thống nên phải chuyển từ thanh tra tuân thủ, sang thanh tra rủi ro.
Như vậy, các quy định về thanh tra cũng phải được thay đổi. Vì thế, theo như quy định trong Nghị định 26, nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã mở rộng hơn, phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện hành như: Luật NHNN Việt Nam, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi.
“Có quan điểm cũng muốn bổ sung là có thể phải nâng tầm bảo hiểm tiền gửi lên trong tương lai. Ở nhiều nước, bảo hiểm tiền gửi có quyền thanh tra các ngân hàng, họ phải khảo sát, phải biết hiện trạng ngân hàng đó và sự phối hợp với cơ quan TTGS của NHTW là cần thiết. Chỉ khi cả hai tổ chức này phối hợp được với nhau thì NHNN mới có thể cho một NHTM quá yếu kém nào đó phá sản mà không lo tác động xấu tới nền kinh tế và tâm lý người dân”, vị chuyên gia ngân hàng trên nói.
Theo Chí Kiên
Thời báo Ngân hàng