Thực hiện 70.295 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế

Thứ sáu, 09/12/2022 10:21
(ThanhtraVietNam) - Trong 11 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 70.295 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 780.957 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 65.287.390 triệu đồng; số tiền đã thu 10.948.062 triệu đồng.

Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 11 ước đạt 134,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng ước đạt gần 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán (ngân sách trung ương ước đạt 114,9% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 117,4% dự toán), tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021.

Đến hết tháng 11, có 10 khoản thu vượt dự toán, các khoản thu về nhà, đất đạt 136,1%; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110,7%; các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 104,3% dự toán, tăng 7,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106,4% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111,6% dự toán, tăng 9,2%). Còn 02 khoản thu đến nay chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 68% dự toán, bằng 76,4% so cùng kỳ) và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đạt 11% dự toán).

Tổng chi cân đối NSNN tháng 11 ước đạt 154,5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 11 tháng ước đạt 1.359 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán, tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 338,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 935,7 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2% dự toán.

Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 11 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Bộ Tài chính nhìn nhận, trong 11 tháng năm 2022, thị trường trong nước đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính với vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát.

Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công; giá dịch vụ giáo dục. Giá xăng dầu được điều hành sát với diễn biến giá thế giới...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiến nghị xử lý tài chính 65.287.390 triệu đồng

Về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết trong 11 tháng đầu năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài ra ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 592,9 tỷ đồng, thu về 3.671,4 tỷ đồng.

Trong công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, tính đến ngày 30/11/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.048,42 điểm, tăng 2% so với cuối tháng trước và giảm 30% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 208,79 điểm, giảm 2,6% so với cuối tháng trước và giảm 56% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 25/11/2022 ước đạt 5.389 nghìn tỷ đồng, giảm 30,6% so với cuối năm 2021, tương đương 63,6% GDP. Trong tháng 11, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.018 tỷ đồng/phiên, giảm 0,1% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỷ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm trước.

Trên thị trường trái phiếu, trong tháng 11, giá trị giao dịch bình quân đạt 2.805 tỷ đồng/phiên, giảm 27,1% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 8.048 tỷ đồng/phiên, giảm 29,4% so với bình quân năm trước. Đến cuối tháng 10/2022, thị trường có 441 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021 (tương đương 20,5% GDP).

Còn đối với thị trường bảo hiểm, 11 tháng đầu năm ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 220.959 tỷ đồng (tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước), tổng tài sản ước đạt 806.855 tỷ đồng (tăng 18,73% so với cùng kỳ năm trước), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 669.671 tỷ đồng (tăng 19,07% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong 11 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 70.295 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 780.957 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 65.287.390 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 13.953.151 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 46.989.357 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 4.344.883 triệu đồng; số tiền đã thu 10.948.062 triệu đồng./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra