TP. Hồ Chí Minh:

Thu hồi hơn 6.000 m2 đất vàng theo kiến nghị Thanh tra Chính phủ

Thứ ba, 20/09/2022 16:12
(ThanhtraVietNam)- Tối 19/9, UBND phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) vừa công khai Quyết định của UBND TP.HCM về việc thu hồi đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh.

Việc thu hồi được thực hiện theo Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 23/8/2022 của UBND TP.HCM.

Theo Quyết định thu hồi số 2834/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký ban hành ngày 23/8/2022, khu đất có tổng diện tích 6.274,5m2, do Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Lý do thu hồi đất là thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.

Quyết định này nêu rõ, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé có trách nhiệm giao quyết định cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Trường hợp công ty không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản, niêm yết quyết định tại trụ sở UBND phường, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư theo quy định.

Công ty Việt Hân Sài Gòn phải thực hiện bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để quản lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, công ty này phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước, các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định.

Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục tiếp nhận, quản lý theo quy định, đồng thời báo cáo, đề xuất phương án sử dụng đất (SDĐ), trình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để tham mưu cho UBND thành phố theo quy định.

Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý những nội dung liên quan đến pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công; việc hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân phải di dời (nếu có). Sở TN&MT theo dõi, giám sát việc thực hiện thu hồi đất theo quyết định.

Đồng thời, UBND TP.HCM giao UBND Q.1 thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch đối với khu đất nói trên, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định. 

leftcenterrightdel
Khu đất số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 và 42 Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Q.1 (ảnh: TN)

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về những sai phạm tại khu đất số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 và 42 Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Q.1 và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tiến hành các bước, thủ tục pháp lý thu hồi khu đất 6.274,5 m2 mà Vinafood 2 đã bán cho tư nhân.

Nhiều lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Theo kết luận thanh tra, năm 2010, sau khi được TP.HCM giao 4 cơ sở nhà đất nêu trên, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200m2 được TP.HCM giao theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, quá trình hợp tác giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong chuyển nhượng đất đai, thoái vốn nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Đáng chú ý, trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân, chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã nhiều lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất (số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh) theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007 của Thủ tướng để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trình Thủ trướng quyết định.

Bên cạnh đó, Vinafood 2 cũng đã tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ NN&PTNT, Bộ tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.

Tiếp đó, mặc dù UBND TP.HCM, Bộ tài chính, Bộ NN&PTNT đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 xây dựng phương án thoái vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo quy định, nhưng Vinafood 2 không thực hiện.

Cụ thể, ngày 25.11.2015, Vinafood 2 thực hiện chuyển nhượng 4 cơ sở nhà, đất nói trên cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn đã dùng chính số tiền góp vốn điều lệ trong công ty để mua 4 cơ sở nhà, đất là tài sản do Vinafood 2 đang được giao quản lý.

Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất và nhận đủ tiền, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ NN&PTNT chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Không những thế, Vinafood 2 còn không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân đang sinh sống tại các cơ sở nhà đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lập dự án ma để vay ngân hàng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo hơn 7 nghìn tỉ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng lúc cho 7 công ty khác với khoản vay hơn 6 nghìn tỉ đồng bằng cách lập dự án khống với tên The Golmark Premium Tower.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, việc thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật các tổ chức tín dụng đối với khách hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM trực tiếp chỉ đạo, giám sát các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ 2013 đến nay và các khoản vay liên quan tới 4 cơ sở nhà nói trên đất xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm./.

Tuyết Nhung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra