Tận dụng lợi thế khi 100 triệu liều vaccine đã được tiêm cho dân

Thứ ba, 16/11/2021 22:06
Hôm qua 15.11.2021, Việt Nam đạt được mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 100 triệu. Ở thời điểm tháng 6, khi Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm có đủ 150 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm phủ 70% dân số thì không nhiều người dám tin, bởi vì đó là một việc quá khó khăn.

leftcenterrightdel
 Vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP

Cụ thể là tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9.2021 được tổ chức chiều 2.10, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều.

Đại diện Bộ Y tế cẩn trọng đưa ra cái mốc đến giữa năm sau vì trên thực tế, vaccine ngừa COVID-19 khan hiếm, nhiều nước bùng dịch ở mức đỉnh, các quốc gia tranh giành nhau để đưa vaccine về cho mình. Nhưng Việt Nam vẫn đạt được con số như dự tính và tổ chức tiêm chủng nhanh. Với tốc độ tiêm từ 1-1,3 triệu liều/ngày hiện nay, thì sau 45 ngày đến kết thúc năm 2021, con số 150 triệu liều được tiêm là trong tầm tay. 

Đây là một dấu mốc rất đáng ghi nhận trong phòng chống dịch gần 2 năm qua.

Đương nhiên tiêm vaccine là để phòng chống dịch, là để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân. Nhưng không chỉ thế, tiêm vaccine là để người dân được tự do đi lại, làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh. Nếu như đến nay mà việc đi lại chưa thông suốt, vẫn còn những cản trở trong các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp do những quy định phi lý, thì đó chính là lãng phí 100 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng.

Một quốc gia có độ bao phủ vaccine với tỉ lệ cao như Việt Nam, thì phải khai thác tối đa lợi thế đó để nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Mùa Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán đang đến gần, đây là khoảng thời gian tiêu thụ hàng hóa cao nhất của năm, hãy tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, thị trường được sôi động, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu hàng hóa đi các nước.

Tạo điều kiện là một khái niệm rất chung, còn cụ thể là bãi bỏ các quy định liên quan đến phòng dịch đã lạc hậu, không còn phù hợp trong môi trường đã được bao phủ vaccine 100 triệu liều và sẽ đạt đến con số 150 triệu trong vài tuần tới.

Hàng hóa lưu thông thuận lợi, không bị đội giá vì kéo dài thời gian hay chi phí khác, thì giá thành sản phẩm không bị tăng, người tiêu dùng tiếp cận được với hàng hóa với giá cả phù hợp, đó là tạo điều kiện.

Mở cửa du lịch, du khách trong nước, quốc tế càng nhiều thì hàng hóa được tiêu thụ càng lớn, đó là tạo điều kiện.

Tất nhiên, không chủ quan, lơ là, mà thích ứng an toàn.

Theo Laodong.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra