Đó là một trong những yêu cầu của Nghị quyết số 108/NQ-CP vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Bảo đảm tính công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng trong công tác quy hoạch
Theo đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm quy định chi tiết các nội dung đã được giao tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15.
Xây dựng kế hoạch, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi và chất lượng theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch.
Nghị quyết số 108/NQ-CP cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương:
Rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch có nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm trình tự, thủ tục.
Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành về quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.
Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn hoặc mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thì việc điều chỉnh được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15.
Khẩn trương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà đến thời điểm Nghị quyết số 61/2022/QH15 có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quy hoạch.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch
Nghị quyết số 108/NQ-CP cũng đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch.
Đánh giá toàn diện tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch; nghiên cứu rà soát các quy hoạch này để bảo đảm yêu cầu của Luật Quy hoạch, yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm độc lập giữa các cơ quan, đề cao trách nhiệm của từng cấp, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động quy hoạch, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát số 166/BC-ĐGS ngày 27/5/2022 của Đoàn giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ trong lập quy hoạch và phối hợp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin.