Bảo đảm quyền khiếu nại của công chức, viên chức

Thứ sáu, 09/11/2018 15:53
(ThanhtraVietNam) - Ở Việt Nam, thủ tục khởi kiện ra tòa hành chính của công chức, viên chức chỉ được chấp nhận đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Quy định về quyền khởi kiện của công chức đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc khá rõ ràng trong khi đó, quy định về quyền khởi kiện của viên chức đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc lại chưa thật rõ.

Quyền khiếu nại hành chính của công chức, viên chức là khả năng được Nhà nước thừa nhận cho công chức, viên chức có thể yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đó.

Quyền khiếu nại của công chức, viên chức có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bảo đảm quyền khiếu nại của công chức, viên chức đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong đó bảo đảm về mặt pháp lý là bảo đảm quan trọng nhất. Trong phạm vi chuyên đề “Quyền khiếu nại của công chức, viên chức”, ThS. Lê Thị Thúy, Phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện CL&KHTT đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền khiếu nại của công chức, viên chức.

leftcenterrightdel

Th.S Lê Thị Thúy chia sẻ. Ảnh: L,A

Theo đó, về lâu dài cần nghiên cứu để từng bước mở rộng phạm vi đối tượng khiếu nại của công chức, viên chức, không chỉ bao gồm các quyết định kỷ luật mà hướng tới là tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức đã được quy định trong Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật viên chức năm 2010. Đó là các quyền và lợi ích về công việc, về tiền lương và chế độ chính sách liên quan đến tiền lương, chế độ nghỉ ngơi, chế độ chính sách về học tập, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiêm xã hội, bảo hiểm y tế… Chỉ khi nào các quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức được bảo đảm và quyền khiếu nại của công chức, viên chức về các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền được pháp luật tôn trọng và bảo vệ thì công chức, viên chức mới có thể yên tâm công tác và cống hiến.

“Riêng quyết định cho thôi việc, cần quy định rõ quyền khiếu nại của công chức trong các trường hợp không phải do tự nguyện” ThS. Lê Thị Thúy nhấn mạnh. Quyết định cho thôi việc trong các trường hợp này không khác nhiều so với quyết định kỷ luật buộc thôi việc về hệ quả pháp lý mất việc làm nhưng công chức chỉ có thể khiếu nại quyết định kỷ luật, khởi kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc mà không thể khiếu nại hay khởi kiện quyết định cho thôi việc. Trong khi đối với viên chức, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, viên chức còn có thể sử dụng quyền khởi kiện ra tòa án.

Không chỉ vậy, trong ngắn hạn khi chưa thể mở rộng phạm vi đối tượng khiếu nại, cần nghiên cứu sửa các quy định liên quan đến quyền khiếu nại của viên chức trong Luật Khiếu nại năm 2011. Trong đó, quan trọng nhất là sửa quy định giải thích thuật ngữ “quyết định kỷ luật”.

Giải đáp băn khoăn “quyết định kỷ luật” cần được hiểu như thế nào, bà Thúy cho hay, đó là “quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan tồ chức đề áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật”. Nghị định 75 đã có quy định về việc giải quyết khiếu nại của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng giá trị pháp lý là thấp hơn so với luật. Điều đó đặt ra đòi hỏi phải khẳng định quyền khiếu nại của viên chức trong văn bản pháp lý có giá trị cao hơn.

Việc bổ sung các hướng dẫn pháp lý để thực hiện quy đinh tại cua Nghị định 56 về khiếu nại kết luận phân loại, đánh giá công chức, viên chức. Th.S Thúy khẳng định việc cho phép công chức, viên chức khiếu nại đối với đối tượng này là cần thiết. Mặc dù đó không phải là một quyết định hành chính quyết định về một vấn đề cụ thể nhưng đó lại là một văn bản làm cơ sở để người co thẩm quyền xem xét quyết định việc tiếp tục hay chấm dứt việc sử dụng công chức, viên chức. Nếu đợi đến khi có quyết định cho thôi việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mới khiếu nại hoặc khởi kiện thì việc giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, có thể coi đây là một đối tượng khiếu nại đặc biệt của công chức, viên chức. Tuy nhiên, để tránh những vướng mắc trên thực tế, pháp luật cần quy định rõ thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đối với đối tượng này.

Từ thực trạng nhiều tòa án xác định không đúng bản chất vụ kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của viên chức, từ đó xác định sai thẩm quyền giải quyết, Th.S Thúy đặt vấn đề, trong thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn rõ về vấn đề này. Theo đó, cần quy định thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với các vụ án hành chính khởi kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của viên chức, về lâu dài, cần nghiên cún sửa Luật tố tụng hành chính năm 2015, bổ sung quyền khởi kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của viên chức đồng thời hướng dẫn thống nhất trong ngành toà án việc thực hiện quy định này./.

Lan Anh

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra