Bộ Công an yêu cầu kịp thời, bảo đảm an ninh khu vực động đất

Thứ tư, 31/07/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả động đất tại Kon Plông, Kon Tum, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình; triển khai các biện pháp, kịp thời, bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng cho Nhân dân...

Vừa qua, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7/2024 với độ lớn M = 5,0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận; đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới 29/7/2024 tại khu vực.

Tính đến 30/7/2024, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận 46 trận động đất xảy ra tại tại Kon Tum.

Theo thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất.

Tại Công điện số 73/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất, Bộ Công an được yêu cầu chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ngày 30/7/2024, Bộ Công an có Công điện số 07/CĐ-BCA-V01 gửi Thủ trưởng Công an các đơn vị, Giám đốc Công an các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam về việc chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, nắm chắc tình hình thiên tai, động đất và dư chấn do động đất gây ra, kịp thời thông tin hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến người dân. Bảo đảm an toàn về các lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ trên địa bàn của lực lượng Công an nhân dân.

Hai là, lực lượng Công an các cấp, nhất là lực lượng tại cơ sở sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp công tác nhằm bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người già và trẻ em.

Phải chủ động trên mọi lĩnh vực công tác, không được chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ, sạt lở đất, nguy cơ động đất gia tăng, phức tạp phải nắm chắc địa bàn, nắm rõ số hộ, số người để kịp thời triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra sự cố.

Ba là, tham mưu ngay với chính quyền các cấp chỉ đạo sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân có nhà bị hư hại, không bảo đảm an toàn, tuyệt đối không để người dân “màn trời, chiếu đất” và huy động các lực lượng giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà, khắc phục hậu quả do động đất gây ra; kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến các công trình, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện và tham mưu có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng.

Bốn là, các đơn vị của Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, nhất là lực lượng đóng quân tại các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, công tác y tế, hậu cần để chi viện ngay cho các địa phương, vùng khi xảy ra sự cố, thiệt hại đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao nhằm “Kịp thời, bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng cho Nhân dân”; thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong trường hợp cần thiết.

Năm là, tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống bão, mưa, lũ./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra