Qua thực tiễn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua, Bộ GDĐT đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn một số vấn đề. Cụ thể, cần rà soát, nghiên cứu để có quy định về tổ chức và hoạt động kiểm tra nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong tổ chức và thực hiện. Theo Bộ GDĐT, hiện nay quy định về kiểm tra chủ yếu được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung, nhưng thiếu các quy định thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục... tiến hành một cuộc kiểm tra.
Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện hoạt động thanh tra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Hướng dẫn cụ thể vướng mắc trong thực hiện quy định về thời hạn thực hiện công bố quyết định thanh tra khi không thể công bố đúng thời hạn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Bộ GDĐT đề nghị có hướng dẫn cụ thể về thực hiện thời hạn thanh tra do Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định thủ tục thẩm định kết luận thanh tra. Theo Bộ này, việc phải thực hiện thêm thủ tục thẩm định sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm thực hiện đúng quy định thời hạn một cuộc thanh tra, trong đó có thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra.
Về công tác thanh tra, Bộ còn đề nghị xem xét bổ sung các tình huống dịch bệnh, thiên tai; các tình huống bất khả kháng hoặc do đề nghị của đối tượng thanh tra... dẫn đến phải dừng, hoãn, hủy các cuộc thanh tra vào Luật Thanh tra và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đây là cơ sở cho việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra và xác định các trường hợp điều chỉnh, hủy, không thực hiện kế hoạch, quyết định thanh tra...
Cần sửa đổi thời hạn xem xét điều kiện thụ lý khiếu nại, tố cáo
Theo Bộ GDĐT, qua thực tiễn thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của Bộ trong thời gian qua cho thấy, quy định về thời hạn xem xét điều kiện thụ lý tố cáo tại Khoản 1 Điều 24, Khoản 2 Điều 37, Điều 30 Luật Tố cáo; thời hạn xem xét điều kiện thụ lý khiếu nại tại Điều 27 Luật Khiếu nại là không khả thi đối với vụ việc phức tạp. Vì đối với các vụ việc này, nhiều trường hợp phải làm việc nhiều lần mới có đủ thông tin, tài liệu xác minh. Sau đó, cần có thời gian đánh giá, xin ý kiến của các đơn vị chuyên môn có liên quan thì mới có cơ sở xác định điều kiện thụ lý.
Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo quy định thời hạn xem xét điều kiện thụ lý KNTC trong 10 ngày làm việc. Bộ GDĐT cho rằng, quy định này rất dễ dẫn đến nguy cơ cơ quan có thẩm quyền không giải quyết theo đúng thời hạn quy định. Do đó, đề nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn xem xét điều kiện thụ lý KNTC tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo quy định: Việc xác định thẩm quyền giải quyết KNTC theo “người đứng đầu” (KNTC đối với Hiệu trưởng trường đại học sẽ do Bộ trưởng xem xét giải quyết). Thực tiễn giải quyết KNTC của Bộ GDĐT gặp trường hợp cơ sở giáo dục đại học chưa có hiệu trưởng mà mới có người được Hội đồng trường giao phụ trách trường theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với viên chức.
Trong khi đó, pháp luật không quy định người được giao phụ trách một trường đại học phải được Bộ trưởng Bộ GDĐT công nhận. Vì vậy, người được giao phụ trách thuộc đối tượng quản lý trực tiếp của Hội đồng trường. Tuy nhiên, Hội đồng trường hoạt động theo cơ chế tập thể, nếu có KNTC đối với người được giao phụ trách trường thì chưa có quy định pháp luật để xác định thẩm quyền giải quyết KNTC đối với người được giao phụ trách trường đại học. Do đó, dẫn đến việc nếu có KNTC đối với người được giao phụ trách trường đại học thì không xác định được người có thẩm quyền giải quyết. Bộ GDĐT kiến nghị với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ có nghiên cứu về nội dung này để sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định của pháp luật có liên quan./.
Hoàng Minh