Cần nắm vững Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản mới

Thứ hai, 17/06/2019 08:26
(ThanhtraVietNam) – Đó là yêu cầu của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đối với các bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra tại Hội nghị quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và giới thiệu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới diễn ra tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã điểm lại một số nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật PCTN năm 2018. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe đại diện Vụ Pháp chế phổ biến, giới thiệu Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo 2018 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Theo đó, so với Luật cũ năm 2005, phạm vi điều chỉnh Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ "xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ "xử lý tham nhũng" nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Đáng chú ý, Luật 2018, cũng bổ sung quy định "Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh THPT, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật".

leftcenterrightdel
 

Một nội dung mới của Luật 2018 nữa là PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước, quy định. Luật quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Luật năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Chương VII của Luật đã quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó quy định bắt buộc một số chế định của Luật đối với một số loại hình tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Mặt khác, để phù hợp với phạm vi mở rộng phạm vi áp dụng, Luật 2018 cũng quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức..

Tại Chương II, Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điểm mới trong công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với một số lĩnh vực quan trọng và các lĩnh vực khác pháp luật hiện hành quy định phải công khai nhằm PCTN.

Đối với hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, do đây là lần đầu tiên mở rộng phạm vi áp dụng ra khu vực này và để phù hợp với Bộ Luật Hình sự nên Luật 2018 chỉ quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện.

Với quy định tặng quà và nhận quà tặng Luật 2018 đã quy định cụ thể hơn về việc tặng quà. Các cơ quan, tổ chức , đơn vị, người có chức vụ, quyền hành không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng. Còn với việc nhận quà có liên quan đến công việc đang giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của người có chức vụ quyền hạn cần phải cấm tuyệt đối để phòng ngừa tham nhũng.

Tại mục 6, Chương II là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản số với Luật năm 2005, cụ thể đã quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN); kê khai TSTN, xác minh TSTN; cơ sở dữ liệu về TSTN. Tại Điều 30 quy định cụ thể về cơ quan kiểm soát TSTN theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát TSTN của những người thuộc diện kê khai tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chức chính trị - xã hộ, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát TSTN của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Một điểm mới nữa cần chú ý đó là phương thức và thời điểm kê khai TSTN, phương thức kê khai áp dụng cho từng đối tượng kê khai khác nhau gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ. Liên quan tới người có nghĩa vụ kê khai tài sản Luật 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm thành viên giữ chức vụ, chức danh quản lý chặt chẽ về dữ liêụ TSTN, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác PCTN. Luật cũng mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng lại thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hằng năm nhằm phù hợp với việc thu hẹp cơ quan kiểm soát TSTN và đảm bảo tính khả thi.

Ngoài ra, Luật 2018 cũng bổ sung quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN; trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN; bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cũng cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN…/.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra