Thành phố Hồ Chí Minh:

Chủ động xây dựng các phương án xử lý những tình huống phức tạp về an ninh trật tự

Thứ ba, 13/09/2022 09:59
(ThanhtraVietNam) - Công an TPHCM phối hợp Công an các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện quy chế phối hợp số 303/QCPH về bảo đảm an ninh trật tự địa bàn giáp ranh giữa Công an 7 tỉnh, thành.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An .

Đạt hiệu quả cao hơn trên nhiều lĩnh vực

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, trước yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tế công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, ngày 29/10/2020 Công an các tỉnh, TP gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đã ký kết Quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh. Theo đó, việc ký kết Quy chế phối hợp số 303 thể hiện quyết tâm của Đảng ủy - Ban Giám đốc cùng toàn thể lực lượng Công an 7 tỉnh, TP trong công tác phối hợp đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các địa phương để hoạt động.

“Ngay sau Lễ ký kết Quy chế phối hợp, Công an 7 tỉnh, TP đã khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết đến từng cán bộ, chiến sĩ, từng đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở đó, các đơn vị nghiệp vụ và Công an cấp quận, huyện, phường, xã tại các địa bàn giáp ranh giữa các địa phương cũng nhanh chóng triển khai tổ chức ký kết quy chế phối hợp.”- đồng chí Lê Hồng Nam cho biết.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, qua 2 năm thực hiện, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng công tác phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh, TP đến cấp xã, phường, thị trấn vẫn được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao hơn trên nhiều lĩnh vực như: trao đổi thông tin, tình hình tội phạm; trao đổi kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh; thống nhất phối hợp trong thực hiện các chuyên án, các đợt cao điểm về đấu tranh, phòng chống, tấn công, trấn áp các loại tội phạm; trong thực hiện các Đề án của Bộ Công an; trong công tác phòng, chống dịch Covid-19… Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế tại 7 tỉnh, TP trọng điểm phía Nam.

Đồng chí Lê Hồng Nam mong muốn trên cơ sở ý kiến góp ý của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy 7 tỉnh, thành phố và lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, để từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu cho công tác phối hợp trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Lê Hồng Nam phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: TU.TPHCM) 

Tội phạm từng bước được kiểm soát, kéo giảm

Theo báo cáo, qua 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tại khu vực Đông Nam bộ được đảm bảo, tội phạm về trật tự xã hội các tỉnh, TP giáp ranh từng bước được kiểm soát, kéo giảm.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, 7 tỉnh, TP giáp ranh đã kéo giảm 8,68% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 10,89% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chất của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Đáng chú ý, nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm như cướp, cướp giật tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; tội phạm về đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm cờ bạc online.

Bên cạnh đó, xuất hiện xu hướng sự đan xen, gắn kết giữa các loại tội phạm, hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động lưu động, liên tuyến, liên tỉnh, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Đa số tội phạm hoạt động lưu động là các đối tượng có tiền án, tiền sự nên phương thức, thủ đoạn chuyên nghiệp, tinh vi, manh động và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động sau khi gây án gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn.

Ngoài ra, tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, phương thức thủ đoạn manh động, nguy hiểm có trang bị vũ khí quân dụng, số lượng ma túy thu giữ trong các vụ án ngày càng nhiều; đã phát hiện nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia; tình trạng các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các khu nhà trọ, khu chung cư ngày càng nhiều.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng về số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất, thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong dư luận; hoạt động "tín dụng đen", vay tiền nhanh, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm trên các nền tảng di dộng và qua mạng Internet diễn biến phức tạp gây mất ANTT.

Về công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội, Công an 7 tỉnh, thành đã phối hợp khám phá 4.995 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 78,96% (cao hơn 1,83% so với cùng kỳ năm 2021); tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 89,91%. Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; triệt phá 196 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; phối hợp xác minh, trao đổi thông tin liên quan trật tự xã hội 5.378 trường hợp; phối hợp điều tra, xử lý tội phạm 1.159 vụ việc/1.705 đối tượng; ủy thác điều tra 418 yêu cầu.

Bên cạnh đó, đã chủ động phối hợp tuyên truyền, vận đồng toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, quần chúng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa bàn giáp ranh;… qua đó quần chúng nhân dân cung cấp 1.340 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an làm rõ, xử lý trên 1.100 vụ, 2.253 đối tượng vi phạm về an ninh trật tự.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TU.TPHCM) 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

Để kết quả công tác phối hợp ngày càng được nâng cao, Công an 7 tỉnh, TP xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các hệ lực lượng, chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh cụ thể, phù hợp với từng địa bàn; thường xuyên phối hợp xác minh nguồn tin, trao đổi thông tin ở từng cấp, nhất là thông tin về âm mưu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hệ loại đối tượng; tạo sự đồng bộ trong phối hợp mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, quyết tâm chuyển hoá, lập lại trật tự tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm giáp ranh.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng khu vực giáp ranh, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP; ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân và các dữ liệu nghiệp vụ phục vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ; Chủ động xây dựng các phương án xử lý các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, bố trí lực lượng kịp thời phối hợp tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, tình hình phức tạp xảy ra tại các địa bàn giáp ranh như tình hình ùn tắc giao thông, tại nạn,...

Bên cạnh đó, tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo hệ thống chính trị tại các địa bàn giáp ranh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách đồng bộ, rộng khắp; thường xuyên tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm cho Nhân dân biết để cảnh giác, nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, tố giác và tham gia với lực lượng Công an đấu tranh, truy bắt tội phạm./.

 

LH - TU.TPHCM
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra