<p align="justify"><font face="Arial"><b>300 năm thành phế tích</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">Lò gốm Hưng Lợi thuộc phường 16,
quận 8 vốn thuộc khu vực làng cổ Hòa Lục, nằm ven kênh Ruột Ngựa và kênh
Lò Gốm, có niên đại khoảng nửa sau thế kỷ 18 gắn liền với sự hình thành
và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.<br><br>Khoảng đầu
những năm 1940, cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Sài Gòn - Chợ Lớn,
các làng nghề bị đẩy ra vùng ven, kênh rạch bị lấp nhiều nhường chỗ cho
các trung tâm thương mại cũng là lúc quân đội Nhật tấn công, chiếm đóng
gần khu vực sản xuất khiến lò gốm ngưng hoạt động. Lò gốm Hưng Lợi tìm
thấy ngày nay chính là dấu tích của xóm Lò gốm Sài Gòn xưa, cung cấp
nhiều hiện vật, tư liệu, thông tin về một nền văn hóa cổ Đông Nam bộ. Di
tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu...
Quá trình tiến hành khai quật năm 1997 và 1998 đã tìm thấy phế tích 3 lò
gốm kiểu lò ống, vách lò được xây bằng gạch lớn chảy men dày cùng nhiều
đồ vật sành sứ khác. Những sản phẩm được tìm thấy tại đây được các nhà
khảo cổ, nghiên cứu cho rằng kỹ thuật của nghệ nhân lúc bấy giờ vô cùng
tinh xảo. </font></p><p align="justify">Từ đó đến nay, dù
cũng được quan tâm và đánh giá cao nhưng di tích vẫn không ngừng xuống
cấp và bị lấn chiếm. Càng ngỡ ngàng hơn nữa, khi đến đây những ngày này,
không hề có một biển báo di tích nào và không ai có thể nhận ra khu gò
đất hoang phế đó là một di tích khảo cổ cấp quốc gia được công nhận để
bảo tồn. Đằng sau bức tường bao quanh cũ kỹ, bám đầy rong rêu là bãi đất
hoang với những bụi cây rậm rạp che khuất di tích lò gốm đang bị lún
sụp, biến dạng. Đập vào mắt chúng tôi ngay từ góc cổng là vô số mảnh
chai bia lăn lóc. Cạnh đó là bãi rác tự phát với đủ các loại rác thải
sinh hoạt do người dân vứt đi. Người dân xung quanh còn tranh thủ phơi
quần áo ngay trong khuôn viên di tích.<br><font size="2"></font></p><p align="justify"><font size="2"><font face="Arial"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhdt/2014_6/images504200_cn3e.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;"><font size="2"><font face="Arial"><font color="#0000ff" face="Arial" size="2">Sau bãi rác, lùm cây là... di tích.</font></font></font></div><br>Cô Vương Thị Vân Thu,
người dân sống gần khu di tích cho biết: “Sau khi khai quật di tích,
chính quyền có dựng cột, làm mái che bằng tôn và xây tường bao bọc.
Nhưng do không ai quản lý nên việc trông coi, bảo vệ gần như không có.
Đám bụi đời ở đây đến gỡ tôn và đem đi bán ve chai hết. Cứ mỗi buổi trưa
và buổi chiều, rất nhiều người kéo tới chơi chọi gà ăn tiền ở bãi đất
trống phía trong. Hồi trước, nạn hút chích ở đây cũng dữ lắm nhưng bị
công an dẹp mấy lần giờ giảm rồi. Buổi tối, lợi dụng nơi vắng vẻ không
ai trông coi cũng có nhiều cặp trai gái kéo nhau vào đó tâm sự…”.</font></font></p><font size="2">
<p align="justify"><font face="Arial"><b>Kêu cứu</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">Xung quanh di tích khảo cổ lò gốm
Hưng Lợi có rất nhiều vướng mắc về vấn đề chủ quyền đất, đền bù quyền
lợi chưa giải quyết ổn thỏa. Do đó di tích khó được bảo tồn, bảo vệ nên
không ngừng xuống cấp, lấn chiếm. Hiện nay, diện tích khu vực lò gốm chỉ
còn rất nhỏ. Ngay trước cổng vào khu di tích, người dân cũng đã xây nhà
xung quanh, có một vài ngôi mộ tự phát bởi không ít người xem đây là
đất hoang.<br><br>Bà Nguyễn Thị Phương (58 tuổi, trú tại 22 Nguyễn Ngọc
Cung, phường 16, quận 8), chủ khu đất lò gốm Hưng Lợi cho biết: “Từ
những năm 1944 - 1945, gia đình tôi đã sinh sống, canh tác trên mảnh đất
này. Năm 1997 - 1998, chính quyền và các nhà khảo cổ tìm đến đề nghị
cho tìm hiểu, khai quật, chúng tôi đã chấp nhận thi hành và còn tạo điều
kiện cho các nhà khảo cổ hoàn thành công việc. Tuy nhiên, sau khi công
nhận đây là di tích, chúng tôi chỉ được đền bù 5 triệu đồng cho phần đất
đó và bị cấm xây dựng trên các thửa đất xung quanh. Số tiền quá ít và
cách hành xử của một bộ phận cán bộ phường ngay trên đất của gia đình
nên chúng tôi không đồng ý, đưa đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị
công khai quy hoạch rõ ràng”.<br><br>Theo ghi nhận của chúng tôi, một
trong những nguyên nhân là thiếu kinh phí đầu tư, thiếu sót trong quá
trình quy hoạch vành đai bảo vệ di tích nên công tác trùng tu gặp nhiều
khó khăn. Thời gian qua, Sở VH-TT-DL TPHCM cũng có xuống khảo sát tình
trạng di tích xuống cấp, bị lấn chiếm trầm trọng nhất và xem xét để có
dự án bảo tồn. Muốn bảo tồn thì phải giải tỏa các phần đất xung quanh
nhưng điều khó khăn hiện nay là diện tích giải tỏa rất lớn. “Nếu nhà
nước công nhận là di tích thì yêu cầu đền bù cho dân theo đúng quy định
hiện hành vì đây cũng là công sức của gia đình bao nhiêu năm gìn giữ.
Còn nếu không công nhận, không thuộc diện thu hồi thì báo cho chúng tôi
để còn sử dụng phần đất ấy. 16 năm qua cứ để đó hoài, không ai quản lý
thì di tích xuống cấp, gia đình tôi cũng không làm gì được với phần đất
của mình trong khi vẫn phải đóng thuế…”, bà Phương bức xúc.<br><br>Đối
với rất nhiều người dân phường 16, quận 8, tuy sống ngay mảnh đất có
làng nghề gốm một thời hưng thịnh của đất Sài Gòn xưa, là di tích gắn bó
với lịch sử, với truyền thống của dân tộc nhưng họ không biết, thậm chí
chưa từng nghe tới khi chúng tôi hỏi đường vào lò gốm Hưng Lợi.</font></p><p style="text-align: right;" align="justify"><i><font face="Arial">Theo Th<font size="2">ành S<font size="2">ơn - V<font size="2">õ Th<font size="2">ắm</font></font></font></font></font></i></p><p style="text-align: right;" align="justify"><font face="Arial"><font size="2"><font size="2"><font size="2"><font size="2"><i>SGGP</i><br></font></font></font></font></font></p></font><p _rdeditor_exists="1"> </p>