Tăng cường kiểm tra, giám sát và xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng

Thứ ba, 29/04/2025 11:44
(ThanhtraVietNam) - Trước tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng trên môi trường thương mại điện tử, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng.

Hải Phòng triển khai đợt cao điểm chống buôn bán thuốc giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Thanh Hóa đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.

"Các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chưa được một số bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả," văn bản nêu rõ.

Tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ được tuồn sâu vào nội địa, bày bán công khai mà còn gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Đáng chú ý, tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng chính sách xuất nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

leftcenterrightdel

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh minh hoạ: ITN 

Năm giải pháp quyết liệt phòng chống buôn lậu, hàng giả

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đưa ra năm nhóm giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là các Chỉ thị số 17/CT-TTg, Quyết định số 319/QĐ-TTg, Công điện số 40/CĐ-TTg và Công điện số 41/CĐ-TTg.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy định về đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế.

Thứ ba, xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình địa bàn, tập trung đấu tranh các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu vàng, ngoại tệ, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Thứ tư, Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý hiệu quả hơn.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và đầu tư phương tiện hiện đại

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, giáo dục cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho các hoạt động vi phạm.

Một điểm đáng chú ý trong văn bản là yêu cầu xây dựng đề án nâng cao năng lực và tăng cường đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác và đảm bảo an toàn cho các lực lượng chuyên trách.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia được giao nhiệm vụ xin ý kiến các bộ, ngành về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 các cấp, trước mắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Các Ban Chỉ đạo 389 địa phương sẽ được kiện toàn sau khi hoàn thành việc sắp xếp cấp tỉnh.

Đồng thời, sửa đổi quyết định, quy chế, quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Thường trực; chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo trước ngày 31/5/2025.

Với những chỉ đạo quyết liệt trên, kỳ vọng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh.
PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra