Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động đoàn thanh tra, xử lý tiêu cực trong hoạt động thanh tra
Thứ năm, 19/09/2019 07:00 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) – Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là một khâu trong chu trình của hoạt động thanh tra, nhằm theo dõi, nắm bắt thường xuyên, chính xác và khách quan về việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đảm bảo thực hiện đúng đích, yêu cầu, nội dung đề ra trong quyết định thanh tra.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện hoạt động giám sát Đoàn thanh tra còn có một số tồn tại như: Người ra quyết định thanh tra chưa thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể, không xuyên suốt quá trình quá trình tiến hành một cuộc thanh tra, chưa phát huy được hiệu quả của hoạt động giám sát dẫn đến tình trạng một số cuộc thanh tra còn bị kéo dài thời hạn; việc xây dựng kế hoạch thanh tra ở một số Đoàn còn mang tính chất hình thức, chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của cán bộ nên việc lập kế hoạch thanh tra chưa thực sự sát đúng với yêu cầu của cuộc thanh tra, với khả năng thực hiện của đoàn thanh tra; việc quản lý điều hành hoạt động của Đoàn thanh tra có khi còn chưa bám sát Đề cương, kế hoạch đoàn thanh tra đã được phê duyệt; việc phân công giữa các thành viên trong Đoàn thanh tra chưa rõ rang, cụ thể, chưa phù hợp với khả năng của từng thành viên; việc thực hiện các chế độ thông tin báo cáo tiến độ cuộc thanh tra xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra chưa kịp thời.
Sản phẩm của đoàn thanh tra là kết luận thanh tra, một cuộc thanh tra có hiệu quả thì kết luận thanh tra phải đảm bảo tính thực thi pháp luật của kết luận thanh tra (đảm bảo cả về nội dung và hình thức) nghĩa là kết luận thanh tra đó phải trên cơ sở nhận xét, đánh giá một cách khách quan, chính xác, khoa học và có căn cứ pháp luật; những tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra phải đảm bảo tính pháp lý cao, cho dù là những chứng cứ trực tiếp hay chứng cứ gián tiếp để kết luận từng nội dung thanh tra. Hoạt động của đoàn thanh tra, nếu được giám sát tốt sẽ có sản phẩm tốt, các kiến nghị trong kết luận thanh tra sẽ phục vụ rất hiệu quả cho hoạt động quản lý. Chính vì lẽ đó mà cần có sự giám sát hoạt động đoàn thanh tra, vậy ai là người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động Đoàn thanh tra? Người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra là người được người ra quyết định tin tưởng về ý thức tổ chức kỷ luật, về năng lực trình độ chuyên môn, về tính trung thực trong công việc…
Như vậy, nội dung giám sát hoạt động thanh tra là giám sát toàn bộ quá trình thực hiện một cuộc thanh tra bao gồm từ khâu chuẩn bị, tiến hành và kết thúc cuộc thanh tra. Người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra không phải là người làm thay nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra, người được giao nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện đúng kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; kết luận thanh tra phải đảm bảo đầy đủ dữ liệu, chứng cứ đã thu thập được.
Một số giải pháp để nâng cao chất lượng giám sát hoạt động đoàn thanh tra như: Ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra phải nghiên cứu kỹ mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra để xem xét, đối chiếu với các nội dung thanh tra xem đã đáp ứng được yêu cầu của cuộc thanh tra đó hay không? Nghiên cứu việc lựa chọn phương pháp tiến hành của đoàn thanh tra có phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra không? Nghiên cứu việc xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo của đoàn thanh tra xem có sát với nội dung thanh tra không? Những nội dung đối tượng thanh tra báo cáo có phục vụ tích cực cho hoạt động của đoàn thanh tra hay không? Từ đó, người được giao nhiệm vụ giám sát tham mưu cho người ra quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra của đoàn thanh tra.
Trong quá trình tiến hành thanh tra, người được giao nhiệm vụ giám sát phải thường xuyên quan tâm đến các nội dung thanh tra, tiến độ cuộc thanh tra, các tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra có đảm bảo pháp lý và đã đủ cơ sở để kết luận nội dung thanh tra hay chưa? Người được giao nhiệm vụ giám sát cần quan tâm đến các nội dung đối tượng thanh tra giải trình, để dự kiến thẩm định kết luận thanh tra. Người được giao nhiệm vụ giám sát hỏa động đoàn thanh tra cần phải thẩm định từng nội dung của kết luận thanh tra, đặc biệt là những nhận xét, đánh giá, những kiến nghị xử lý trong kết luận thanh tra.
Đây là khâu hết sức quan trọng trong việc kết luận nội dung thanh tra, là sản phẩm cuối cùng của cuộc thanh tra. Nếu không được quan tâm xem xét kỹ thì việc nhận xét, đánh giá dễ bị sai lệch, khó khăn cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật để xứ lý từng hành vi vi phạm, do đó không phát huy được hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra./.
Dương Thái (Tổng hợp)