Hà Nam ban hành kế hoạch công tác thanh tra năm 2019

Thứ hai, 07/01/2019 10:40
(ThanhtraVietNam) – Ngày 17/12/2018, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 2349/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch số 79/KH-TTr ngày 14/11/2018 về công tác thanh tra của Thanh tra tỉnh Hà Nam năm 2019.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh xây dựng Kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 tập trung những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, công tác thanh tra tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành, gắn với việc tham mưu công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, lãng phí. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; kết luận thanh tra bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời, nghiêm minh và có tính khả thi; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra; kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để xem xét (nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm). Cùng với đó là triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; xem xét, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo; chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế của địa phương. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở để nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân.

leftcenterrightdel

 Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đưa các nhiệm vụ cụ thể công tác thanh tra năm 2019 trên các lĩnh vực công tác thanh tra kinh tế xã hội, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác PCTN, công tác hoàn thiện thể chế và xây dựng ngành.

1. Công tác thanh tra kinh tế xã hội

- Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn của các sở, ban, ngành, UBND các huyện; Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, Chủ tịch UBND các huyện trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN tại 02 đơn vị: UBND huyện Duy Tiên, Sở Khoa học và Công nghệ.

- Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN tại 04 đơn vị: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND huyện Lý Nhân.

- Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật các dự án đấu giá và các khu đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Phủ Lý (giai đoạn 2014-2018) và huyện Kim Bảng (giai đoạn 2015-2018).

- Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án do UBND huyện Bình Lục và UBND huyện Kim Bảng làm chủ đầu tư (giai đoạn 2015-2018).

- Thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh; Việc thực hiện chính sách pháp luật tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về: Đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; Công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; Việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng tám năm 1945 cải thiện nhà ở (theo Quyết định số 118-TTg và Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

2. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tham mưu với Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 25/CT-TU ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; Kế hoạch 1478/KH-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TU; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 05/02/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch số 911/KH-UBND ngày 16/4/2018 về đối thoại của người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh với nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Triển khai thực hiện Luật Tố cáo năm 2018.

- Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%.

- Kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 2044/KH-UBND ngày 21/11/2013 của UBND tỉnh; coi đây là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành. Mục tiêu là giảm khiếu nại, tố cáo, bức xúc, kéo dài, đoàn đông người.

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn), nhất là những địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp kéo dài.

3. Công tác PCTN

- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, pháp luật về PCTN, tập trung thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 560/KH-UBND ngày 23/3/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và Kế hoạch số 32-KH/TU ngày 27/4/2017 của Tỉnh ủy Hà Nam về việc thực hiện Kết luận số 10-KL/TW...

- Thực hiện thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thủ trưởng các sở, ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn công tác PCTN.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để đảm bảo thông tin chính xác, khách quan, đúng sự thật. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm thúc đẩy công tác PCTN ở các cấp, các ngành, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng thông qua công tác giải quyết đơn thư, công tác thanh tra kinh tế xã hội, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách (thuế), mua sắm công và công tác cán bộ.

4. Công tác hoàn thiện thể chế và xây dựng ngành

- Rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản về thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra cho phù hợp với quy định mới ban hành.

- Kịp thời củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo phòng thuộc Thanh tra tỉnh; Phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng tổ chức, bộ máy; hướng dẫn chế độ, chính sách, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xét chuyển ngạch, thi nâng ngạch, xây dựng cơ quan thanh tra trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa thanh tra, đạo đức nghề nghiệp thanh tra gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Nghị quyết trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư./.

QA

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra