Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm
Theo Báo cáo 348/BC-CP của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thời gian qua, cơ quan điều tra các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát tiến hành phân loại, xử lý và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, hạn chế được các trường hợp quá hạn giải quyết, oan sai, bỏ sót tố giác, tin báo về tội phạm. Tính từ ngày 01/12/2015 đến ngày 30/6/2020, tổng số tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố phải giải quyết là 496.111; số đã giải quyết là 449.325, số tạm đình chỉ là 30.885.
Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội; thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp: Chủ động rà soát, đề xuất, ban hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; tăng cường nguồn lực cho công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là công tác cán bộ, bảo đảm đủ về số lượng và có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, sớm phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm của cá nhân và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong hoạt động, bảo đảm tính thống nhất.
Dự báo và nắm chắc tình hình
Mặt khác, cũng theo Báo cáo 348/BC-CP trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được Cơ quan điều tra phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trong đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07 tháng 7 năm 2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phải đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; sử dụng tổng hợp, quyết liệt các biện pháp nhằm củng cố tài liệu, chứng cứ, kê biên, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, ngăn chặn đối tượng tẩu tán tài sản.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng; thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ, dự báo và nắm chắc tình hình, từ đó chọn những vấn đề nổi lên, tác động tiêu cực đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương trong phát hiện, điều tra xử lý các vụ án nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình điều tra, hạn chế việc điều tra bồ sung, điều tra lại nhiều lần.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác định hướng dư luận, không để các đối tượng lợi dụng xuyên tạc, gây mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội; có giải pháp chủ động chuẩn bị giải quyết những tình huống phức tạp nảy sinh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng về kinh tế - xã hội, môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân khi khởi tố, điều tra các vụ án về kinh tế và tham nhũng; tổng kết rút ra kinh nghiệm qua mỗi vụ án; phát hiện phương thức thủ đoạn phạm tội mới; đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ pháp luật, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, gắn với thực hiện nghiêm quy trình, quy chế công tác, chế độ thông tin, báo cáo và bảo mật; quan tâm chính sách khen thưởng, chăm lo đời sống cho đội ngũ trinh sát viên, điều tra viên để đáp ứng yêu cầu công tác./.
Lan Anh