Đồng Tháp:

Một số giải pháp và kiến nghị trong việc thực hiện kết luận thanh tra

Thứ tư, 07/09/2022 11:20
(ThanhtraVietnam) - Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Tháp, mặc tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên ngành thanh tra tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh kết quả đã đạt được UBND tỉnh chỉ ra một số khó khăn cần khắc phục trong công tác thanh tra đó là việc thực hiện các kết luận thanh tra đã có hiệu lực.

Cụ thể, UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội cũng như việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch nhà nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra.

Qua công tác thanh tra đã giúp Đảng và Nhà nước phát hiện kịp thời những vi phạm của cán bộ, công chức, loại trừ những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mất dân chủ, thiếu công bằng, xa rời lợi ích của nhân dân. Kịp thời có các biện pháp xử lý, khắc phục, góp phần xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh.

Cũng theo UBND tỉnh, hoạt động thanh tra còn nhằm tìm ra những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, phát hiện những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách ngày một tốt hơn.

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 (Ảnh: ĐT) 

Trong năm 2021, toàn tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện 58 cuộc thanh tra; đã ban hành kết luận 50 cuộc. Qua thanh tra phát hiện vi phạm số tiền hơn 7.730 triệu đồng. Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước và xử lý khác về kinh tế với số tiền 7.500 triệu đồng; xử lý khác về kinh tế 248,6 triệu đồng. Đồng thời, kiến nghị xử lý hành chính 16 tổ chức và 13 cá nhân. Trong kỳ, đã hoàn thành thực hiện 32 kết luận thanh tra, 14 kết luận chưa hoàn thành, chiếm tỷ lệ 30%; qua thực hiện đã thu hồi nộp về ngân sách số tiền hơn 4.559 triệu đồng.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian qua, vẫn còn một số kết luận thanh tra tỷ lệ thực hiện đạt thấp, thu hồi tiền không cao, thậm chí không thu hồi được tiền. Một số kiến nghị trong kết luận thanh tra kéo dài trong nhiều năm chưa thực hiện xong.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân của tình trạng này là do một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thanh tra chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thực hiện những kiến nghị trong các kết luận thanh tra, chỉ tập trung vào thực hiện việc thu hồi kinh tế mà chưa chú trọng chỉ đạo thực hiện các kiến nghị trong công tác quản lý, điều hành, kiểm điểm, xử lý cán bộ vi phạm; một số đối tượng thanh tra có biểu hiện trốn tránh, đối phó với kết luận thanh tra dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn, nhất là xử lý về kinh tế.

Mặt khác, một số kết luận thanh tra kiến nghị biện pháp xử lý còn chung chung, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng không quy định thời hạn dẫn tới công tác đôn đốc, theo dõi xử lý bị động, khó theo dõi; một số cơ quan quản lý nhà nước chậm thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra liên quan đến trách nhiệm của mình, có biểu hiện đùn đẩy, đối phó.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Đồng Tháp rút ra một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện kết luận thanh tra, công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra như sau:

Thứ nhất, quá trình thực hiện kết luận thanh tra cần sự phối hợp, vào cuộc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra. Đồng thời, phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đối tượng thanh tra để xử lý các đối tượng thanh tra có biểu hiện trốn tránh, chây ỳ không chịu thực hiện các kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là quyết định xử lý thu hồi tiền.

Thứ hai, việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bằng nhiều hình thức, như: Làm việc trực tiếp với các đối tượng thanh tra để nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị; thông báo cho các cơ quan quản lý, cơ quan có liên quan đến đối tượng thanh tra khi đối tượng thanh tra trốn tránh, chây ỳ thực hiện kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, trong thời gian tiến hành thanh tra cần thực hiện các biện pháp phát hiện sai phạm đến đâu, làm rõ thấu đáo và quyết định xử lý thu hồi ngay tài sản Nhà nước bị thất thoát đến đó, không đợi đến khi có kết luận thanh tra mới xử lý. Đồng thời, gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra cũng như vai trò lãnh đạo của người ra quyết định thanh tra với công tác xử lý sau thanh tra.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện kết luận thanh tra, cụ thể:

Một là, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, theo hướng quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra. Trong đó, có chế tài xử lý đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định về thanh tra, vi phạm pháp luật về thanh tra.

Hai là, có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành, bổ sung, sửa đổi, hủy bỏ kết luận thanh tra; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với kết luận thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra