Chủ động, trách nhiệm trong việc tiếp, đối thoại với người dân
Trong 06 tháng đầu năm, việc xây dựng Kế hoạch thanh tra các cấp, ngành thuộc tỉnh đảm bảo nội dung, theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên. Các cuộc thanh tra đã tập trung theo từng lĩnh vực, chuyên đề được dư luận quan tâm, dễ có nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Trong năm đã tăng cường hoạt động thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì, các sở, ngành tham gia nhằm đánh giá toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật, hạn chế việc chồng chéo đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, tránh việc gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, nhất là đối với các doanh nghiệp.
Chất lượng một số cuộc thanh tra được đánh giá cao, qua thanh tra hướng dẫn, uốn nắn, giúp các đơn vị được thanh tra hiểu rõ hơn các quy định cụ thể của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực thi; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sau thanh tra; chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, sai phạm cả về mặt kinh tế và hành chính.
Tuy vậy, còn có đơn vị xây dựng kế hoạch thanh tra dàn trải, số cuộc nhiều so với lực lượng, còn có cuộc thanh tra chất lượng chưa cao, thời gian kéo dài. Qua hoạt động thanh tra kiến nghị chủ yếu về mặt kinh tế, chưa có nhiều kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan do để xảy ra sai phạm, thiếu kiến nghị về cơ chế, chính sách. Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố, các sở chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.
Thực tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC); đặc biệt quan tâm đến các vụ việc đông người, phức tạp đã, đang hoặc có nguy cơ trở thành điểm nóng. Các cấp, các ngành tăng cường, tập trung, sát sao cùng vào cuộc.
Có địa phương đã chủ động, tích cực nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp, đối thoại với người dân, vụ việc phức tạp tổ chức đối thoại nhiều lần... phát huy tính cộng đồng trách nhiệm, vai trò của các cơ quan tham mưu để xử lý, trả lời công dân thấu tình, đạt lý, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp đến cơ quan cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Việc tiếp dân thường xuyên được duy trì; có sự phối hợp trong việc tiếp, trao đổi thông tin giữa cơ quan phụ trách tiếp dân và người trực tiếp giải quyết vụ việc, giữa Văn phòng UBND các cấp với cơ quan thanh tra cùng cấp. Công tác giải quyết KN, TC được chú trọng cả về mặt thời hạn và chất lượng, nhiều vụ việc được giải quyết qua tiếp dân, hòa giải.
Tuy nhiên, còn có vụ việc xác định chưa chính xác về thẩm quyền giải quyết; giữa nội dung KN, TC với đề nghị vẫn còn nhầm lẫn; có vụ việc giải quyết còn kéo dài thời hạn so với quy định của Luật KN, Luật TC, Luật Đất đai. Việc chậm đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về KN, TC dẫn tới tổng hợp số lượt tiếp dân, số đơn thư, số vụ việc còn trùng lặp.
Liên quan tới công tác phòng ngừa tham nhũng, một số giải pháp đã được triển khai như: tiếp tục quán triệt việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động; kê khai tài sản, thu nhập... Qua công tác thanh tra, giải quyết đơn thư của công dân đã phát hiện những tồn tại, thiếu sót về kinh tế, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản.
Tuân thủ chặt chẽ quy trình thanh tra
Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trong công tác thanh tra, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tham mưu xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, sở; giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra, giám sát; kịp thời chỉ đạo thanh tra đột xuất khi có phát sinh. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; tuân thủ chặt chẽ quy trình thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra; kịp thời ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm của cán bộ thanh tra; xử lý nghiêm trường hợp có sai phạm; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra theo đúng quy định; tiếp tục thực hiện tốt quy trình tiến hành thanh tra, thời gian thanh tra, ra kết luận đảm bảo quy định; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, lập và quản lý hồ sơ thanh tra đầy đủ theo quy định.
Về công tác giải quyết KN, TC, tập trung rà soát, giao các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu giải quyết các vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền đúng thời hạn luật định; chỉ đạo nâng cao hiệu quả việc tiếp công dân thường xuyên và định kì của lãnh đạo; nâng cao chất lượng xử lý, giải quyết đơn thư KN, TC; tăng cường thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC; tập trung vào việc kiểm tra thực hiện quyết định giải quyết KN, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý TC có hiệu lực pháp luật.
Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định về phòng ngừa tham nhũng; các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tăng cường phối hợp trong công tác này. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống tham nhũng./.
Lan Anh