|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy làm việc với Vụ Pháp chế (Ảnh: QA) |
Báo cáo về kết quả công tác trong hơn 7 tháng qua của đơn vị, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế cho biết, Vụ Pháp chế luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, sự giúp đỡ, phối hợp có hiệu quả của các vụ, cục, đơn vị trong và ngoài cơ quan Thanh tra Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ công tác.
Theo đó, Lãnh đạo Vụ Pháp chế luôn quan tâm và tích cực chỉ đạo các hoạt động của Vụ; thường xuyên kiểm tra tiến độ và chất lượng thực hiện các công việc, nắm bắt và có ý kiến cụ thể đối với từng hoạt động của Vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Trong việc phân cấp quản lý và triển khai thực hiện các công việc của cơ quan, Vụ Pháp chế luôn thực hiện nghiêm túc, nền nếp: Có sự phân công cụ thể giữa các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng, giữa lãnh đạo với chuyển viên, công chức. Vụ Pháp chế đã đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo việc triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Vụ đối với hoạt động của các công chức; nâng cao trách nhiệm, nhất là của các đồng chí lãnh đạo Vụ, lãnh đạo phòng; đồng thời thực hiện giao việc, giao quyền và chịu trách nhiệm trong công tác.
Bên cạnh đó, các công chức của Vụ được đào tạo cơ bản, chuyên môn về pháp luật tương đối đồng đều, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, tận tình giúp đỡ nhau trong công tác, sinh hoạt, học tập, không ngại khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiệt tình tham gia các phong trào đoàn thể.
|
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế báo cáo các mặt công tác của Vụ (Ảnh: QA) |
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Vụ Pháp chế đã tham mưu Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTCP ngày 30/12/2022 về Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2023 và Quyết định số 406/QĐ-TTCP ngày 04/8/2023 về việc điều chỉnh Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2023 của Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Thanh tra, điển hình là: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Tổng kết thực tiễn để đề xuất việc xây dựng hoặc không xây dựng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo…
Bên cạnh đó, Vụ đã thực hiện nghiên cứu, góp ý nhiều dự thảo văn bản pháp luật do các Bộ, ngành gửi xin ý kiến; hướng dẫn, trả lời về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các bộ, ngành, địa phương. Nhìn chung, các góp ý và nội dung tham mưu tại các Phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ bảo đảm chất lượng. Nội dung góp ý đã quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật khác, giúp các Bộ, ngành và Chính phủ có cơ sở hoàn thiện và quyết định đối với các văn bản dự thảo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc của Vụ với phạm vi rộng, chuyên môn đa dạng, phức tạp không chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ mà còn giao thoa giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau; yêu cầu hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật của thanh tra các bộ, ngành, địa phương ngày càng nhiều nhưng sự phối hợp của các đơn vị quản lý địa bàn còn hạn chế. Nhiều nhiệm vụ phát sinh đột xuất, yêu cầu gấp về tiến độ khiến công chức của Vụ gặp khó khăn về thời gian trong xử lý, tham mưu, nhất là các yêu cầu góp ý vào dự thảo kết luận thanh tra, các đề án, góp ý chuyên sâu theo đề nghị của các bộ, ngành.
Ngoài ra, số lượng công chức ít, khối lượng công việc nhiều, nên việc chỉ đạo, điều hành công việc của Vụ vẫn còn những khó khăn nhất định.
|
|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: QA) |
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, trình Chính phủ ban hành; Phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Tổng kết Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, gửi văn bản tổng kết tới các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; xây dựng Báo cáo tổng kết Chỉ thị…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy ghi nhận những thành quả đạt được của Vụ Pháp chế trong thời gian vừa qua. Đồng thời chia sẻ với khối lượng công việc đồ sộ mà Vụ phải đảm nhiệm trong khi số lượng công chức rất ít. Qua đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của đơn vị để công tác của Vụ được hoàn thành tốt hơn. Đồng thời mong muốn tập thể Vụ Pháp chế cùng hợp tác, phối hợp trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới./.