Tạm dừng thanh tra, đẩy mạnh tự kiểm tra trực tuyến
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Cơ quan Thanh tra được yêu cầu thông báo tạm dừng tiếp công dân đến hết ngày 15/4/2020 và mọi phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến qua số điện thoại 024.38265964 hoặc 024.39362916 và thư điện tử tiepnhanthongtinkntc@molisa.gov.vn; tăng cường xử lý đơn thư gửi qua bưu điện.
"Đối với các cuộc thanh tra của Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục An toàn lao động theo kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt và các cuộc thanh tra của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố sẽ tạm dừng đến hết ngày 30/4/2020 (trừ những trường hợp phải tiến hành thanh tra đột xuất khi có vi phạm)", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH yêu cầu.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần áp dụng hình thức tự kiểm tra trực tuyến đối với các lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định về tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
Không để lao động đình công trong thời gian có dịch COVID-19
Một hoạt động quan trọng khác là tổ chức xuất cảnh cho người lao động cũng được Bộ LĐTBXH yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng.
Hoạt động quản lý nhà nước về lao động, việc làm và tiền lương cũng được yêu cầu phải hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động. Đồng thời, theo dõi, nắm chắc tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với người lao động và người sử dụng lao động tại các địa phương (cập nhật, thống kê số liệu thường xuyên) để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra các cuộc đình công trong thời gian có dịch COVID-19.
Để triển khai các giải pháp hướng tới nhóm yếu thế, Bộ LĐTBXH chỉ đạo thực hiện việc chi trả trực tiếp trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp bảo trợ xã hội phải bảo đảm an toàn cho đối tượng và người chi trả. Chỉ đạo các cơ sở phối hợp với chính quyền, cơ sở y tế tại địa bàn để xây dựng phương án dự phòng về thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định của ngành y tế nếu xảy ra trường hợp đối tượng tại cơ sở nhiễm COVID-19. Trong trường hợp cần tiếp nhận các đối tượng mới vào các cơ sở, phải thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.
Một hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ LĐTBXH. Ảnh: thaibinhtv.vn
Địa phương phải đảm bảo trợ cấp bảo trợ xã hội liên tục và an toàn
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu Giám đốc Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng “Đúng - đủ - kịp thời”; căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được cơ quan có thẩm quyền giao để chủ động đề nghị Kho bạc Nhà nước bố trí kinh phí chi trả trợ cấp, gộp trước 02 (hai) tháng trợ cấp hàng tháng trong một lần chi trả; phối hợp với 4 các cấp, ngành ở địa phương lựa chọn thời gian tổ chức thực hiện công tác chi trả đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với UBND cấp huyện có biện pháp hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ gia đình khó khăn không đủ lương thực trong thời gian cách ly xã hội.
Đồng thời, giao Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) ngay sau khi Chính phủ cho phép.
Phối hợp với Công an và các ngành liên quan tại địa phương tạm dừng việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội; tạm dừng tiếp nhận người cai nghiện ma túy tự nguyện, người cai nghiện ma túy bắt buộc vào các cơ sở cai nghiện ma túy; hạn chế việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; tạm dừng các hoạt động thăm gặp đối với học viên để bảo đảm việc “cách ly xã hội”, “cách ly y tế” nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống lây nhiễm từ người bên ngoài cơ sở cai nghiện ma túy hoặc giữa công chức, viên chức, người lao động và học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi học viên chấp hành xong quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc, thông báo ‘‘thông tin y tế” của học viên cho UBND cấp xã nơi học viên cư trú để địa phương quản lý, phối hợp với gia đình để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại cộng đồng./.
Hoàng Minh