Thanh tra Chính phủ: Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc

Thứ tư, 01/11/2023 10:03
(ThanhtraVietNam) - Chiều ngày 31/10, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Ngày 04/10/2023, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 235/QĐ-BTP về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của TTCP. Theo đó, Đoàn kiểm tra sẽ trực tiếp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do TTCP ban hành đang có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, kiểm tra, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của TTCP trong các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2015/TT-TTCP quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của TTCP. Trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm này còn quy định ở nhiều văn bản khác nhau và còn thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất thì Thông tư số 06/2015/TT-TTCP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để TTCP thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình được thuận lợi và đạt hiệu quả.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi làm việc. Ảnh: QA

Để công tác rà soát, hệ thống hóa các các văn bản quy phạm pháp luật đạt chất lượng, Vụ Pháp chế đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cho các công chức làm công tác này tại các vụ, cục, đơn vị về nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa. Đồng thời, cử công chức tham gia trực tiếp cùng các vụ, cục, đơn vị rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Từ đó, theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện và định kỳ họp với lãnh đạo các vụ, cục tham gia nhằm hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh cho biết, căn cứ vào các kế hoạch đã được phê duyệt, lãnh đạo TTCP giao Vụ Pháp chế chủ trì, làm đầu mối tiến hành rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan. Theo đó, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra quản lý địa bàn (Cục I, Cục II, Cục III) và Ban Tiếp công dân Trung ương tập trung rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, phối hợp với Cục Phòng, chống tham nhũng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung vào quy định pháp luật liên quan đến công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu; việc phát hiện và xử lý tham nhũng...

Đặc biệt, phối hợp với các vụ thanh tra quản lý ngành, lĩnh vực (Vụ I, Vụ II, Vụ III) và Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra tập trung rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra; Vụ Tổ chức Cán bộ tập trung các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, thanh tra viên, chế độ chính sách đối vói công chức, thanh tra viên…

Trên cơ sở kết quả rà soát của các vụ, cục, đơn vị, Vụ Pháp chế đã tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo và lấy ý kiến của các vụ, cục, đơn vị trước khi hoàn thiện trình lãnh đạo TTCP ban hành.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: QA 

Nhìn chung, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được TTCP thực hiện nghiêm túc, đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật ban hành được tự kiểm tra theo quy định. Qua công tác kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ban hành đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, đúng căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện công tác tự kiểm tra và gửi báo cáo nhìn chung đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa hiểu rõ về đối tượng, nội dung và phương thức kiểm tra dẫn đến kết quả kiểm tra chưa chính xác, có trường hợp còn nhầm lẫn giữa văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật. Một số bộ, ngành, địa phương còn chậm gửi báo cáo, hoặc báo cáo không theo yêu cầu của TTCP.

Bên cạnh đó, công chức được phân công vẫn phải đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ pháp chế khác. Thực trạng này làm cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiến hành một cách thường xuyên mà thường tập trung vào những tháng cuối năm, từ đó dẫn đến kết quả chưa toàn diện, chưa sâu sắc; chưa huy động được sự tham gia rộng rãi của những chuyên gia, cán bộ giàu kinh nghiệm làm công tác thực tiễn. Ngoài ra, việc tự kiểm tra văn bản về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của một số bộ, ngành, cơ quan còn hạn chế cả về nội dung và tiến độ thực hiện. Vì vậy, kết quả của công tác kiểm tra văn bản của TTCP vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nhấn mạnh, lãnh đạo TTCP rất quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của TTCP. Từ đó mà công tác này đã được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tích cực, phát hiện kịp thời những khó khăn, bất cập, vướng mắc của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý của TTCP, nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

"Các công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của TTCP được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ tốt, thường xuyên được cập nhật kiến thức về pháp luật nói chung và nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa nói riêng nên đã khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QA

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao công tác kiểm tra, rà soát của TTCP mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định. Thứ trưởng cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của TTCP trong công việc tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cập nhật kịp thời những nội dung mới, tháo gỡ những khó khăn vướng mặc trong thực tiễn. Qua đây, Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp với TTCP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật hiện hành nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng nói riêng để báo cáo Chính phủ, Quốc hội nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra