Thanh tra Chính phủ điều hành linh hoạt công tác của ngành

Thứ ba, 21/07/2020 23:41
(ThanhtraVietNam) – Trong 6 tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn ngành Thanh tra triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, đã đề ra phương án điều hành linh hoạt công tác của ngành để ứng phó với đại dịch, đảm bảo thực hiện “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều cuộc thanh tra toàn diện, kịp thời, tập trung vào các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm

Về công tác thanh tra, TTCP và ngành Thanh tra bám sát định hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nhất là triển khai các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu về tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi nền kinh tế, nhiều đơn vị đã kịp thời rà soát, điều chỉnh việc triển khai kế hoạch thanh tra đối với doanh nghiệp; một số đơn vị đã thí điểm thực hiện công tác thanh tra theo phương thức mới. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra đã được cải thiện rõ rệt.

Mặt khác, đã tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã và đang triển khai, trong đó có những cuộc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm do Thanh tra Chính phủ triển khai, như: Thanh tra toàn diện Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc; thanh tra công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường (tập trung huyện Phú Quốc); kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện thời điểm ngày 20/3/2019, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua). Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra được thanh tra các địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Kết quả, toàn ngành đã triển khai 3.245 cuộc thanh tra hành chính và 73.695 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.149 tỷ đồng, 3.432 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 13.752 tỷ đồng và 507 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 17.397 tỷ đồng, 2.925 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 805 tập thể và 12 cá nhân; ban hành 46.795 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.225 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng.

Đồng thời, TTCP tiến hành rà soát, xử lý chồng chéo với Kiểm toán Nhà nước và giữa các cơ quan thanh tra; tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra năm 2020; ban hành Báo cáo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thanh tra cho các cá nhân dịp Kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam. (ảnh: Minh Nguyệt)

Công tác tiếp công dân góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp

Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được quan tâm, trong đó trọng tâm là tập trung cao nhất cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong các dịp lễ, tết, các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.  

TTCP đánh giá, tình hình KNTC giảm so với cùng kỳ 2019; việc giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ngành Thanh tra đã thường xuyên đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nhất là trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn trước.  

Cụ thể, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 165.198 lượt công dân với 134.277 vụ việc; có 1.642 đoàn đông người (giảm 9,4% số lượt người, giảm 16,4% số đoàn đông người, tăng 8,1% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2019). Đồng thời, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xử lý 80.301 đơn đủ điều kiện xử lý (giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019) trong tổng số 141.494 đơn đã tiếp nhận; có 27.602 đơn khiếu nại, 14.318 đơn tố cáo với 13.889 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính. Theo đó, đã giải quyết 9.904/13.889 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 71,3%.

Cùng với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, trong 6 tháng đầu năm 2020, TTCP tiếp tục triển khai tốt Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về KNTC tới các bộ, ngành, địa phương; ban hành Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ; triển khai phương án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Đưa quy trình đặt lịch hẹn tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ vào sử dụng.

leftcenterrightdel
 Đại diện Công đoàn Viên chức Việt Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân tại Hội nghị Đại biểu cán bộ, công chức, viên chức năm 2019 của TTCP. (ảnh: Minh Nguyệt)

Triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của TTCP và các bộ, ngành, địa phương, công tác PCTN tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Đặc biệt, việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân.  

6 tháng đầu năm 2020, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực, như: Cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.... Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, trong đó có nguyên nhân đến nhiều từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như: một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành có lúc chưa thường xuyên…Song, nhìn chung các mặt công tác đều được triển khai đồng bộ, linh hoạt, đạt nhiều kết quả trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra