Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Thanh tra (CL&KHTT) Nguyễn Tuấn Khanh, thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội Khóa XV và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8182/VPCP- QHĐP ngày 06/12/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã xây dựng Kế hoạch sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) và xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.
Kế hoạch sẽ đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược sau 7 năm thực hiện (2015 - 2022). Trong đó, tập trung xác định những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân và đề xuất kế hoạch và giải pháp thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030.
Công tác tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược và xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược trong thời gian tới phải huy động sự tham gia của các vụ, cục, đơn vị của TTCP cùng sự phối hợp của bộ, ngành địa phương.
Đồng thời, kết hợp giữa sơ kết thực tiễn việc thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương với nghiên cứu chuyên đề theo các trụ cột nội dung của Chiến lược; bảo đảm tiến độ, hiệu quả và tiết kiệm.
Về nội dung và tiến độ thực hiện, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, trước hết cần tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược của bộ, ngành, địa phương. Theo hướng dẫn của TTCP, các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết và xây dựng báo cáo sơ kết việc thực hiện Chiến lược của bộ, ngành địa phương giai đoạn 2015 - 2022 theo các tiêu chí: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Chiến lược; kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược từ 2015 đến hết năm 2022; đề xuất kế hoạch, giải pháp thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030. Nhiệm vụ này hoàn thành vào ngày 15/8/2023
Cùng với đó, các cục, vụ, đơn vị TTCP tổ chức nghiên cứu, xây dựng báo cáo chuyên đề theo 5 trụ cột nội dung của Chiến lược như: Nâng cao vị trí, vai trò của ngành Thanh tra; kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan Thanh tra; đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra; đổi mới công tác cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật. Thời gian hoàn thành 30/8/2023.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam yêu cầu thực hiện nghiêm Kế hoạch sơ kết. Ảnh: L.A |
Việc xây dựng dự thảo Báo cáo của TTCP về sơ kết việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 2015 - 2022 và đề xuất kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030 trên cơ sở tổng hợp các báo cáo sơ kết thực tiễn việc thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương và kết quả báo cáo nghiên cứu các chuyên đề, trình Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hoàn thành 30/9/2023.
Đồng thời, tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Chiến lược giai đoạn 2015 - 2022 và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030. Thời gian hoàn thành 30/10/2023.
Theo Kế hoạch, Viện CL&KHTT giúp lãnh đạo TTCP hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch. Đề xuất công văn của TTCP hướng dẫn bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo sơ kết việc thực hiện Chiến lược; hướng dẫn và phối hợp với các vụ, cục, đơn vị xây dựng các báo cáo chuyên đề theo 5 trụ cột nội dung được quy định tại Chiến lược.
Phối hợp với các vụ, cục, đơn vị và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tổng hợp các báo cáo sơ kết thực tiễn thực hiện Chiến lược của bộ, ngành, địa phương và các báo cáo nghiên cứu chuyên đề để xây dựng dự thảo Báo cáo sơ kết việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 2015 - 2022 và đề xuất dự thảo Kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030. Chủ trì nghiên cứu xây dựng báo cáo chuyên đề “Nâng cao vị trí, vai trò của ngành Thanh tra” thuộc tiểu mục l.a, Mục III của Chiến lược và nhiều nội dung quan trọng khác…
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đánh giá cao bản Kế hoạch được Viện CL&KHTT soạn thảo, và đồng ý các ý kiến về thời kỳ sơ kết là 2015 - 2022, phù hợp với thời kỳ thực hiện Luật Thanh tra cũ. Ngoài ra, cần phải thành lập Ban Chỉ đạo sơ kết Chiến lược do đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, gồm có các bộ, ngành, địa phương như: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân Hàng Nhà nước, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu thành lập Tổ công tác bao gồm: Thủ trưởng các đơn vị, cục, vụ, đồng thời đề nghị các cục, vụ, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo Kế hoạch đề ra, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung, thời gian đề ra; đánh giá đúng kết quả sau 7 năm thực hiện Chiến lược ngành Thanh tra và đề ra giải pháp thời gian tới./.