Viettel ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên không đúng quy định

Chủ nhật, 19/04/2020 22:41
(ThanhtraVietNam) - Thực trạng này đã được Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ rõ tại kết luận về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao (TTTB) di động tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng SIM di động với số lượng lớn

Đến ngày 30/09/2019, Tập đoàn Viettel có 43.026 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT), trong đó: 1.909 điểm CCDVVT cố định, 5.157 điểm CCDVVT ủy quyền, 35.960 điểm CCDVVT lưu động.

Chi nhánh Viettel các tỉnh thành đã ký Hợp đồng cộng tác viên hợp tác với các cá nhân bên ngoài. Theo nội dung hợp đồng, các cá nhân này được cấp tài khoản để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng TTTB của khách hàng tại điểm CCDVVT lưu động, hoặc ký Hợp đồng dịch vụ thuê các cá nhân làm cộng tác viên để tiếp nhận đăng ký TTTB di động, được cấp tài khoản. Qua kiểm tra, các cá nhân này đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cập nhật TTTB vào cơ sở dữ liệu (CSDL) của Tập đoàn Viettel. Theo kết luận, việc ký hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân không phải là nhân viên của Viettel để đăng ký TTTB là không đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP và điểm 3 Công văn số 866/BTTTT-Ttra ngày 26/3/2019 của Bộ TT&TT.

Đoàn thanh tra cùng nhân viên Viettel đã trực tiếp kiểm tra trong CSDL thông tin của 1.000 thuê bao di động do cá nhân, doanh nghiệp sở hữu nhiều thuê bao; đăng ký và kích hoạt dịch vụ sau 12h đêm trong khoảng thời gian từ tháng 01 - 9/2019. Kết quả cho thấy thông tin chủ thuê bao có đầy đủ thông tin: Họ tên, ngày sinh, ảnh chụp; ảnh chứng minh nhân dân (CMND)/căn cước công dân (CCCD)/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; giấy đăng ký kinh doanh, giấy ủy quyền; ngày đăng ký thông tin, ngày kích hoạt dịch vụ, ngày dừng dịch vụ; hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ đối với số thuê bao thứ 4 trở lên.

Về thực trạng doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động số lượng lớn, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng SIM di động với số lượng lớn, thậm chí rất lớn, doanh nghiệp đăng ký số lượng lớn nhất là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Duy Thịnh sở hữu 88.637 số thuê bao di động.

Đoàn thanh tra mua được 09 SIM đã đăng ký thông tin và kích hoạt dịch vụ tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội. Các SIM này trong tình trạng nguyên bản (bộ kit), chưa được tách ra khỏi khay nhựa. Kiểm tra TTTB trên hệ thống CSDL của doanh nghiệp cho thấy các SIM này đều do cá nhân đứng tên, đăng ký với số lượng lớn, TTTB trên hệ thống đầy đủ, hợp lý, hợp lệ.

Đáng chú ý, từ ngày 27/07/2019, Tập đoàn Viettel triển khai phần mềm đăng ký TTTB di động trả trước theo công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) song song với hình thức đăng ký trước đây, việc chuẩn hóa TTTB được áp dụng từ ngày 17/08/2019.

Từ ngày 05/09/2019, ngoại trừ các điểm CCDVVT ủy quyền lớn như Thế giới di động, Viễn thông A, FPT shop và một số điểm CCDVVT có địa chỉ xác định do Viettel thiết lập thì toàn bộ các điểm CCDVVT còn lại đều phải thực hiện thủ tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung duy nhất thông qua AI. Từ ngày 22/10/2019, toàn bộ các điểm CCDVVT thuộc Tập đoàn Viettel đều phải áp dụng AI. Riêng đối tượng khách hàng doanh nghiệp, Tập đoàn Viettel chưa áp dụng AI trong quá trình đăng ký TTTB di động do mẫu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa thống nhất trên toàn quốc.

Trong quá trình triển khai, Tập đoàn đã thực hiện nâng cấp AI (phần mềm AI nâng cao) để nhận diện và ngăn chặn trường hợp chụp lại ảnh từ thiết bị khác hoặc từ ảnh có sẵn. Khi thực hiện nghiệp vụ, nếu ảnh được chụp lại từ giấy tờ tùy thân, từ ảnh có sẵn, hệ thống sẽ cảnh báo không cho thực hiện tiếp nghiệp vụ.

Việc triển khai đăng ký qua AI giúp doanh nghiệp có thông tin chính xác hơn, hạn chế được tình trạng lách quy định để đăng ký, hạn chế được thuê bao ảo. Tuy nhiên việc áp dụng AI còn gặp những khó khăn như tỷ lệ chính xác việc nhận dạng ảnh chụp và ảnh CMND/CCCD phụ thuộc vào chất lượng thiết bị, kỹ năng chụp ảnh của nhân viên, thói quen của người dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số bảo quản không tốt dẫn đến chứng minh thư nhân dân bị rách, hỏng, một số trường hợp chứng minh thư nhân dân được cấp đã quá thời hạn 15 năm phần mềm AI không nhận diện được. Mặt khác, việc áp dụng AI là không bắt buộc, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông áp dụng không thống nhất, dễ tạo sự bất bình đẳng, mong muốn phải có sự công bằng trong việc triển khai. Theo báo cáo của Tập đoàn Viettel, từ khi áp dụng AI, số lượng thuê bao phát triển tại các điểm CCDVVT ủy quyền, điểm CCDVVT lưu động đã giảm mạnh.

Kiểm tra cho thấy danh sách các điểm CCDVVT của Tập đoàn Viettel được đăng tải trên trang tin điện tử https://vietteltelecom.vn. Danh sách được liệt kê theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

leftcenterrightdel
 Bắt đầu từ ngày 01/03/2020, nhà mạng Viettel chính thức triển khai dịch vụ MultiSIM, giúp 1 số điện thoại có thể dùng được trên 4 SIM riêng biệt cực kì tiện lợi.

Viettel đã triển khai xây dựng hệ thống kỹ thuật, CSDL tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP.

Việc thực hiện thông báo, tạm dừng CCDVVT, chấm dứt CCDVVT đối với thuê bao có TTTB không đúng quy định: Từ tháng 10/2017, Viettel đã thực hiện 07 lần nhắn tin cho các thuê bao di động có dấu hiệu thông tin đăng ký không chính xác để kiểm tra, đăng ký lại. Tháng 11/2018, theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Viettel đã thực hiện rà soát, phát hiện 1.693.911 thuê bao thiếu 1 trong 4 trường TTTB (số CMND, ngày cấp, nơi cấp, ảnh CMND). Sau khi nhắn tin 05 lần mời chủ thuê bao thực hiện chuẩn hoá TTTB, đã có 519.337 thuê bao hủy hoặc chấm dứt dịch vụ. Trong tháng 8 và tháng 9/2019, Viettel đã thực hiện nhắn tin thông báo và chặn 2 chiều đối với 4,3 triệu thuê bao nghi ngờ kích hoạt sẵn và đang tồn trên kênh phân phối.

Viettel đã triển khai việc tra cứu TTTB qua đầu số 1414 và qua website www.vietteltelecom.vn để khách hàng có thể tự kiểm tra TTTB của mình. Trường hợp khách hàng tra cứu qua trang tin điện tử www.vietteltelecom.vn, thông tin nhận được sẽ bao gồm đầy đủ theo các trường thông tin lưu giữ trên hệ thống. Trường hợp khách hàng tra cứu qua đầu số 1414, thông tin trả về cho khách hàng bao gồm họ tên, ngày sinh, số và nơi cấp CMND/hộ chiếu, danh sách các số thuê bao đăng ký cùng CMND/hộ chiếu với số thuê bao tra cứu để khách hàng tự kiểm tra và đi đăng ký lại TTTB trong trường hợp thông tin không chính xác.

Bị phạt 90 triệu đồng

Đoàn thanh tra kết luận, Tập đoàn Viettel chấp hành nghiêm túc Quyết định thanh tra số 727/QĐ-TTra ngày 03/10/2019 của Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, báo cáo giải trình kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Việc đăng ký TTTB di động áp dụng công nghệ AI được Tập đoàn chủ động triển khai, góp phần tăng tính chính xác thông tin của chủ thuê bao, hạn chế tình trạng sim rác.

Tập đoàn Viettel ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân (không phải là nhân viên của Viettel) để triển khai điểm CCDVVT lưu động là không thực hiện đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP và điểm 3 Công văn số 866/BTTTT-TTra ngày 26/3/2019 của Bộ TT&TT.

Cơ quan thanh tra đã chuyển Cục Viễn thông xử phạt vi phạm hành chính Viettel 90.000.000 đồng đối với hành vi chấp nhận TTTB do điểm CCDVVT không được ủy quyền (chấp nhận TTTB từ 35.960 cộng tác viên là các cá nhân bên ngoài để làm điểm CCDVVT lưu động) vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Nghị định số 49/NĐ-CP/2017.

Bên cạnh đó, yêu cầu Viettel thực hiện triển khai điểm CCDVVT lưu động theo đúng quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP và điểm 3 Công văn số 866/BTTTT-Ttra ngày 26/3/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Kiểm tra, giám sát đối với cá nhân, doanh nghiệp đăng ký sử dụng số lượng lớn thuê bao, đảm bảo các số thuê bao chỉ được sử dụng cho người thân; cho các nhân viên, thiết bị thuộc doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát việc đăng ký TTTB tại các điểm CCDVVT ủy quyền, điểm CCDVVT lưu động, hạn chế việc lách quy định để đăng ký với mục đích bán ra thị trường thu lợi bất chính, kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh từ thuê bao không chính chủ.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng được yêu cầu thực hiện việc xóa TTTB và thu hồi các số thuê bao đã nêu tại kết luận. Đối với các số thuê bao còn lại thuộc sở hữu của các chủ thuê bao này, yêu cầu Viettel thông báo cho chủ thuê bao thực hiện giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại điểm e khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh yêu cầu với đối tượng thanh tra, Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Viễn thông bổ sung nội dung triển khai ứng dụng AI vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Bổ sung quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu 03 SIM/mạng di động, doanh nghiệp sở hữu tối đa 100 SIM/mạng di động.

Chưa hết, Điểm b Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, bảo đảm các số thuê bao đó được sử dụng cho bản thân, con đẻ, con nuôi đối với chủ thuê bao là cá nhân; cho nhân viên, thiết bị đối với chủ thuê bao là tổ chức. Tuy nhiên do không quy định rõ về nội dung kiểm tra, giám sát là gì, như phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ, hợp đồng lao động... dẫn đến nhiều tổ chức, các nhân đã đăng ký hàng vài chục nghìn thuê bao nhưng không thể khẳng định doanh nghiệp viễn thông có thực hiện kiểm tra trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hay không. Do vậy, kiến nghị bổ sung nội dung kiểm tra, giám sát vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.

Bằng An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra