Nhiều giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

Thứ tư, 14/12/2022 16:06
(ThanhtraVietNam) - Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân (TCD) và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án các Tòa án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TCD, giải quyết KNTC, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC; Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các đạo luật về tố tụng và các quy định của pháp luật có liên quan.
leftcenterrightdel
 Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh internet

Thời gian qua, công tác TCD và giải quyết KNTC trong Tòa án nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nhận thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án có nhiều tiến bộ. Pháp luật và văn bản hướng dẫn về TCD, giải quyết KNTC tiếp tục được hoàn thiện. Các Tòa án đã tập trung thực hiện việc TCD và giải quyết các KNTC thuộc thẩm quyền. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết KNTC được tăng cường. Đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TCD và giải quyết KNTC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: người đứng đầu một số đơn vị chưa thường xuyên quan tâm đến công tác TCD và giải quyết KNTC; một số quy định, hướng dẫn chưa bảo đảm tính thống nhất, khả thi trong thực tiễn; nhiều nội dung chưa được quy định, hướng dẫn kịp thời; việc TCD định kỳ của người đứng đầu ở một số Tòa án chưa được quan tâm đúng mức, có lúc, có nơi chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định; đội ngũ cán bộ TCD và giải quyết KNTC tại một số Tòa án chưa được quan tâm đầy đủ, còn thiếu về số lượng, một số năng lực, trình độ còn hạn chế; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, quản lý đơn thư, KNTC hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về TCD, giải quyết KNTC (sau đây viết tắt là Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án các Tòa án, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về TCD, giải quyết KNTC, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TCD, giải quyết KNTC; nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC; Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các đạo luật về tố tụng và các quy định của pháp luật có liên quan.

Hai là, xác định TCD, giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động, uy tín và hình ảnh của Tòa án trước Nhân dân. Phát huy và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Tòa án, đơn vị trong việc tổ chức công tác TCD, giải quyết KNTC. Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác TCD, giải quyết KNTC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Các KNTC phải được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chú trọng việc tiếp, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và giải quyết các yêu cầu của người dân từ cấp cơ sở. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục để giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khiếu kiện, bức xúc của Nhân dân. Lấy kết quả TCD, giải quyết KNTC là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Ba là, chủ động xây dựng các nội quy, quy trình, quy chế phối hợp trong công tác TCD, giải quyết KNTC phù hợp với đặc thù của mỗi Tòa án, đơn vị. Phân biệt và thực hiện đúng việc TCD, giải quyết KNTC theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo với TCD, giải quyết KNTC theo pháp luật tố tụng để giải quyết các vụ án, vụ việc. Niêm yết nội quy, quy chế TCD, quy trình giải quyết KNTC công khai tại nơi TCD và thông báo công khai lịch TCD của cơ quan, lịch TCD định kỳ của lãnh đạo Tòa án bằng hình thức thích hợp để người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu khi có công việc liên quan đến Tòa án. Thực hiện nghiêm túc việc TCD định kỳ và đột xuất, gắn việc TCD với giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp phát sinh KNTC, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, người đứng đầu Tòa án, đơn vị phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân để giải quyết kịp thời.

Bốn là, khẩn trương có kế hoạch thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị trong Báo cáo số 334/BC-ĐGS ngày 07/10/2022 của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ động rà soát, tổ chức thực hiện các kết luận tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, nhất là các kiến nghị của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, KNTC, phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động của Tòa án. Khắc phục triệt để tình trạng không rõ trách nhiệm, chậm giải quyết đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh tại các Tòa án, đơn vị.

Năm là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm việc TCD và giải quyết KNTC. Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Chú trọng công tác giám đốc, kiểm tra việc xét xử để sớm phát hiện những sai sót, sai phạm trong hoạt động tố tụng, nhất là việc giải quyết KNTC trong hoạt động tố tụng và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Sáu là, bố trí cán bộ TCD có phẩm chất chính trị, đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ tốt; có kỹ năng hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật; nhiệt tình, tận tụy và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Quan tâm thực hiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ TCD theo quy định, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác TCD, công tác tham mưu giải quyết KNTC.

Bảy là, thường xuyên kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các Tòa án, đơn vị trong việc chấp hành pháp luật về TCD, giải quyết KNTC; kiểm tra việc thi hành công vụ của đội ngũ Thẩm phán, công chức, viên chức để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, chất lượng phục vụ Nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.

Tám là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện TCD, giải quyết KNTC. Chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, các cơ quan hữu quan ban hành các quy chế phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ nhằm giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc; đặc biệt là các vụ việc KNTC đông người, gay gắt, phức tạp, các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền lập danh sách kiểm tra, rà soát qua đợt giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chín là, trong điều kiện cơ sở vật chất hiện có, ưu tiên bố trí địa điểm TCD khang trang, thuận tiện, bảo đảm trang bị, thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác TCD và giải quyết KNTC.

Mười là, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo công tác TCD, giải quyết KNTC theo quy định, trong đó tập trung nâng cao chất lượng phân tích kết quả thực hiện trong kỳ; chất lượng đánh giá và dự báo tình hình KNTC. Định kỳ 06 tháng, hàng năm, có trách nhiệm gửi báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Hoạt động giám sát và Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15.

Bên cạnh đó, Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác TCD, giải quyết KNTC tại các Tòa án, trong đó tập trung đánh giá các quy định về TCD của Chánh án các Tòa án, mô hình TCD tại các Tòa án, việc TCD trực tuyến,... và quy định khác của pháp luật hiện đang vướng mắc, bất cập, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn.

Các Vụ giám đốc kiểm tra thuộc Tòa án nhân dân tố cao và các Tòa án nhân dân cấp cao có trách nhiệm tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm phát hiện những sai sót, vi phạm để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra