Tại đây, các học viên sẽ phải vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn để giải quyết các tình huống cụ thể trong quá trình thực hiện các hoạt động thanh tra như: Tiến hành một cuộc thanh tra; một buổi tiếp công dân hay giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Trên cơ sở các kiến thức, kỹ năng đã học, học viên được yêu cầu đóng vai trong các tình huống giả định để giải quyết tình huống trong thực tiễn. Các tình huống giả định được xây dựng nhằm để học viên cọ xát với những tình huống thực tế trong quá trình thực hiện một cuộc thanh tra; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo dựa trên nội dung của khung Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngạch thanh tra viên chính. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng về Quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham; Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Công tác của tổ trưởng tổ xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo; Công tác của tổ trưởng tổ xác minh kê khai tài sản thu nhập; Giám sát hoạt động đoàn thanh tra; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, việc thực hiện kết luận thanh tra; Kỹ năng xây dựng kế hoạch tiến hành một cuộc thanh; Thực hành kỹ năng xây dựng kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra…dưới sự hướng dẫn, yêu cầu của giảng viên, học viên hoàn thiện kịch bản, chuẩn bị và phân vai, diễn xuất, xử lý tình huống giúp học viên thảo luận, thực hành các nghiệp vụ.
Dựa trên yêu cầu của giảng viên, các học viên đã xây dựng tình huống giả định với mục tiêu gắn lý thuyết với thực tiễn trong hoạt động thanh tra nhằm giải quyết hiệu quả, kịp thời các tình huống góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm, khiếm khuyết.
Từ tình huống giả định được học viên xây dựng toàn diện về một cuộc thanh tra cho thấy, để đưa ra những nhận xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra luôn phải lấy pháp luật làm thước đo, làm tiêu chí để so sánh, đánh giá. Trong đó, nếu pháp luật chưa quy định thì cần tổng hợp, kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp luật cho kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, việc xử lý, kiến nghị xử lý sai phạm, khiếm khuyết được phát hiện qua hoạt động thanh tra không thuần túy chỉ dựa vào pháp luật, mà còn phải tính tới các yếu tố khác như chính trị, xã hội, lợi ích của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc.
|
|
Học viên lớp Thanh tra viên chính K07/2023 xây dựng tình huống giả định |
Với nội dung tình huống giả định về một cuộc thanh tra đã giúp cho học viên có góc nhìn tổng quát hơn về thực hiện cuộc thanh tra. Nội dung giả định được học viên xây dựng đã phản ánh toàn diện “phẩm chất”, “giá trị” của hoạt động thanh tra, nhưng phần nào đã mô tả kết quả thanh tra bằng những con số “biết nói”, chỉ ra những quyết định, quy định, cơ chế, chính sách nào không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị đối với tập thể, đơn vị, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự bao nhiêu vụ việc… Những tình huống đó đã phần nào khắc họa “phẩm chất”, “giá trị” cuộc thanh tra hay nói một cách trực diện, đó là bài học phản ánh chất lượng cuộc thanh tra.
Theo các giảng viên, vấn đề đặt ra là đòi hỏi người tiến hành thanh tra, đặc biệt là trưởng Đoàn thanh tra phải am hiểu chính sách, pháp luật, hiểu biết về quản lý hành chính Nhà nước, thành thạo kỹ năng xem xét, đánh giá và có kiến thức về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ liên quan tới nội dung thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra còn phải nhuần nhuyễn kỹ năng lãnh đạo, quản lý, có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm xử lý tình huống và đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức trong hoạt động thanh tra.
Đối tượng thanh tra ở đây là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, vì vậy, để có được thái độ hợp tác tích cực, hiệu quả giữa các bên trong hoạt động thanh tra, trước hết, đòi hỏi người tiến hành thanh tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quan điểm, thái độ chuẩn mực, phương pháp làm việc khoa học, biết lắng nghe, không vụ lợi, không tạo áp lực vô lý lên đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
|
|
Các thầy, các cô Khoa nghiệp vụ I đóng góp ý kiến cho các học viên. Ảnh: PV |
Việc tiến hành thanh tra phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; việc sử dụng các quyền hạn phải thỏa mãn các điều kiện mà pháp luật ràng buộc và phải chú ý tính đến hậu quả không mong muốn phát sinh từ việc sử dụng quyền hạn có tính cưỡng chế mạnh trong quá trình thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, của người ra quyết định thanh tra. Ngoài ra các phương pháp tâm lý, tư tưởng, thuyết phục, dân chủ, lắng nghe, tôn trọng quyền giải trình của đối tượng thanh tra trong quá trình tiến hành thanh tra cũng giúp cải thiện rất nhiều thái độ ứng xử giữa các bên trong hoạt động thanh tra.
Trong tình huống giả định trong công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng của lớp Thanh tra viên chính K07/2023 đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, xây dựng tình huống đối thoại trong giải quyết đơn khiếu nại của công dân với nôi dung này đã được các thầy, các cô Khoa nghiệp vụ II đã chia sẻ cùng học viên và đánh giá cao tâm huyết của học viên trong việc xây dựng, tham gia các tình huống giả định về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
Việc tổ chức đối thoại trong công tác tiếp công dân là một phương thức nhằm làm rõ nội dung khiếu nại, nắm bắt yêu cầu và quan điểm của các bên có liên quan đối với việc giải quyết khiếu nại. Từ đó làm căn cứ để người giải quyết khiếu nại có định hướng giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại còn có sai sót, chưa triệt để, gây bức xúc trong Nhân dân; kết quả các cuộc đối thoại chưa đi đúng trọng tâm, trọng điểm, không đạt được những mục đích.
Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, góp phần giải quyết dứt điểm những khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần phải chú trọng vào chất lượng của việc tổ chức đối thoại, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại đối với người dân, cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác giải quyết khiếu nại nói chung và ý nghĩa của đối thoại trong giải quyết khiếu nại nói riêng. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ, kỹ năng làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cùng với đó, việc giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết… cũng được các học viên đưa ra thảo luận đóng góp ý kiến trong buổi học dựa trên việc giải quyết tình huống giả định được xây dựng nhằm để học viên cọ xát với những tình huống thực tế trong quá trình thực hiện một cuộc thanh tra; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng dựa trên nội dung của khung Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngạch Thanh tra viên chính./.