9 bước - 1 khâu trong báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ năm, 28/09/2023 07:39
(ThanhtraVietNam) - Từ cơ sở lý thuyết và thực tiễn sáng tạo tác phẩm báo chí điều tra ở nước qua hiện nay, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất quy trình rất đáng chú ý về việc tổ chức thực hiện báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) với 9 bước - 1 khâu.

3 tầng mục đích của báo chí chống tham nhũng, tiêu cực

Theo TS Trương Hồng Hải, TS Nguyễn Xuân Trường (đồng chủ biên Thuật ngữ nội chính, PCTN, TC và cải cách tư pháp - Nxb Tư pháp năm 2021), “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Tham nhũng có các dấu hiệu đặc trưng cơ bản là: (1). Tham nhũng phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước hoặc các cơ quan, tổ chức, đơn vị xã hội nói chung; (2). Người có chức vụ, quyền hạn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao, làm sai lệch hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; bằng cách lợi dụng quyền giải quyết hoặc không giải quyết, hoặc giải quyết sai lệch một công việc theo chức năng, nhiệm vụ đã giao cho họ; hoặc lợi dụng mối quan hệ công tác để tác động đến những người có quyền hạn khác để những người này làm trái với quy định của pháp luật sao cho có lợi cho cá nhân người tác động; (3). Người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích, động cơ vụ lợi. Vụ lợi là hành động vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vị tham nhũng.

“Tiêu cực là ứng xử không lành mạnh, có tác dụng không tốt, trở ngại đến quá trình phát triển của cá nhân và xã hội. Tiêu cực biểu hiện dạng không hành động như là suy nghĩ không tích cực, thụ động, không hành đọng, không đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái chính nghĩa. Dưới dạng hành động, tiêu cực là xử sự biểu hiện ra bên ngoài đi ngược lại những giá trị tốt đẹp, chuẩn mực chung của cộng đồng, vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của nhà nước, tổ,chức, cá nhân và công dân.”

Qua nghiên cứu, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Báo chí điều tra PCTN,TC không nhằm vào mục đích thông tin, tuyên truyền thuần tuý, mà hướng tới 3 tầng mục đích gồm:

Thứ nhất là: báo chí điều tra nhằm vào mục đích khám phá, phơi bày những sự việc, vấn đề quan trọng với công chúng, cung cấp thông tin về những hành vi sai trái, thường bị giữ kín một các có ý thức.

Thứ hai là: báo chí điều tra nhằm vào các vấn đề và các sai phạm, sai lầm mang tính hệ thống, mà việc phát hiện, phơi bày nó đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng, cho lợi ích công. Báo chí điều tra không nhằm vào các vụ việc riêng lẻ mà nhằm vào các vấn đề quan trọng, và sai phạm của nó có tính hệ thống, trong phạm vi rộng hơn, với một ngành, một vài tầng lớp công chúng, quốc gia, thậm chí toàn cầu, chẳng hạn như: môi trường, tham nhũng, các xung đột xã hội.

Thứ ba là: Báo chí điều tra có mục tiêu thúc đẩy thực thi hoạt động giám sát và phản biện xã hội của báo chí, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và sửa chữa các hành động của các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, các cơ quan lập pháp và tư pháp và các tổ chức xã hội dân sự. Trên cơ sở đó, báo chí điều tra góp phần quan trọng trong việc tạo áp lực dư luận xã hội, tạo hiệu lực và hiệu quả của báo chí hướng tới xây dựng một xã hội pháp quyền với những chuẩn mực giá trị đạo đức mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, báo chí điều tra có đối tượng cơ bản là những mâu thuẫn, xung đột xã hội, những sai lầm mang tính hệ thống việc vi phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm của những cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp, với những yếu nhân và bộ máy thể chế, các tập đoàn kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội...

Về cơ bản, có thể xác định ít nhất 5 nhóm nội dung báo chí điều tra, với đặc thù về đối tượng, phương thức tác nghiệp, bao gồm: (1). Báo chí điều tra PCTN; (2). Báo chí điều tra tội phạm kinh tế và gian lận thương mai; (3). Báo chí điều tra phát hiện các vi phạm nghiêm trọng về môi trường; (4). Báo chí điều tra các loại tội phạm mang tính xã hội - sinh hoạt; và (5).Báo chí điều tra các bí ẩn lịch sử hoặc các nhân vật quan trọng mà công chúng quan tâm.

Như vậy, theo nhà nghiên cứu, ⅘ nhóm nội dung báo chí điều tra là vấn đề PCTN, TC. Trong đó, Báo chí điều tra PCTN có thể là những bài điều tra các biểu hiện tham nhũng do nhà báo phát hiện và tiến hành tìm hiểu. Nhà báo lần theo các “dấu vết” để làm sáng tỏ nguyên nhân, cách thức, động cơ thực hiện và những hậu quả mà những vi phạm đó đã gây ra cho xã hội. Các đối tượng liên quan mà báo chí điều tra nhắm đến trong nhóm nội dung này là một số người vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Báo chí điều tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần sự chỉ đạo, định hướng một cách bài bản, chuyên sâu từ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Ảnh: T.A

Chủ thể sáng tạo và tổ chức sản xuất báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo phân tích của PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, khác so với việc đưa tin, viết bài phản ánh, tưởng thuật, ghi nhanh hay các bài báo chính luận, báo chí điều tra PCTN, TC luôn được thực hiện và quản lý bởi cơ quan báo chí, theo các “dự án báo chí điều tra”, với những quy trình quản lý toà soạn nghiêm ngặt. Trong thực tế, mỗi cơ quan báo chí đều có những quy định, quy trình riêng biệt khi tổ chức, thực hiện và quản lý các dự án báo chí điều tra.

Trong một cơ quan báo chí, các chủ thể sau đây có vai trò nòng cốt trong việc tổ chức, triển khai, quản lý các dự án báo chí điều tra PCTN,TC, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và công chúng về các tác phẩm báo chí điều tra đã xuất bản/ phát sóng.

Các chủ thể bao gồm: (1) Tác giả, nhóm tác giả các tác phẩm báo chí điều tra; (2) Ban biên tập, đặc biệt là người đứng đầu Ban biên tập của một tờ báo/ một đài truyền hình/ đài phát thanh; (3) Tổng thư ký toà soạn và ban thư ký toà soạn; (4) Ban bạn đọc hoặc bộ phận chịu trách nhiệm tiếp nhận và trả lời phản hồi của công chúng; (5) Bộ phận chuyên môn quản lý mảng các dự án điều tra (nếu có) hoặc trưởng bộ phận quản lý các phóng viên viết điều tra; (6) Bộ phận tư vấn pháp luật và tư vấn chuyên môn;

“Ban lãnh đạo, đặc biệt là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan báo chí phải là người có trách nhiệm lớn nhất trong quản lý việc tổ chức thực hiện các dự án báo chí điều tra PCTN,TC. Họ là người duyệt, tổ chức và giám sát, điều chỉnh và ra các quyết định trong việc điều tra theo hướng nào, có tiếp tục đăng tải các kỳ tiếp theo hay dừng bài điều tra lại, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng tải/ phát sóng của bải điều tra”, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

9 bước - 1 khâu trong quy trình tổ chức thực hiện báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cũng theo nghiên cứu của PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, ngoài việc tuân thủ các thao tác trong quy trình chung và chịu sự chi phối của đặc trưng loại hình báo chí khi sáng tạo tác phẩm, quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí điều tra PCTN, TC cũng có những yêu cầu riêng khác, ở từng khâu công việc cụ thể. Từ cơ sở lý thuyết và thực tiễn sáng tạo tác phẩm báo chí điều tra ở nước qua hiện nay, có thể đề xuất quy trình tổ chức thực hiện báo chí điều tra PCTN,TC ở toà soạn báo, bao gồm 9 bước - 1 khâu:

9 bước trong quy trình tổ chức thực hiện báo chí điều tra: Bước 1: Tìm hiểu và nghiên cứu, hình thành ý tưởng cho báo chí điều tra; Bước 2: Xác định đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đề, xây dựng đề cương chi tiết và kế hoạch tác nghiệp; Bước 3: Trình và thảo luận với Ban biên tập đề cương chi tết và kế hoạch tác nghiệp (nội dung, phương pháp, phương tiện tác nghiệp, tài chính...), chờ quyết định cho phép hay không của Ban biên tập về kế hoạch triển khai tiến trình điều tra; Bước 4: Thực hiện các các biện pháp nghiệp vụ điều tra để thu thập, phân tích, kiểm chứng thông tin và tìm bằng chứng với sự giám sát, hỗ trợ của ban biên tập, đồng nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan (nếu cần thiết); Bước 5: Kiểm tra, hoàn tất khâu tư liệu, chứng cứ liên quan, hoàn thành tác phẩm báo chí điều tra; Bước 6: Sẵn sàng giải trình với ban biên tập về tác phẩm báo chí, thảo luận và điều tra bổ sung để thẩm định hoặc thêm tình tiết nội dung mới khi có yêu cầu của Ban biên tập; Bước 7: Biên tập nhiều lần, có thể bao gồm sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn về pháp lý hoặc chuyên về lĩnh vực liên quan đến vụ việc điều tra; Bước 8: Duyệt, đăng báo, xuất bản, phát hành, phát song; Bước 9: Chuẩn bị cho các dự án báo chí mới/ liên quan hoặc xây dựng, triển khai phương án quản trị khủng hoảng “hậu” dự án báo chí điều tra.

Trong khi đó, 1 khâu có ý nghĩa quan trọng, nằm ở vị trí trung tâm, được thực hiện trong toàn bộ tiến trình làm dự án báo chí điều tra, đó là khâu: Nghiên cứu đánh giá, nghiên cứu phản hồi từ bạn đọc, từ nhân vật và các cá nhân, tổ chức liên quan.

“Khi thực hiện quy trình tổ chức thực hiện báo chí điều tra PCTN, TC, nhà báo điều tra phải là người chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất, tìm kiếm sự hỗ trợ, ủng hộ, hỗ trợ của các thành viên khác trong toà soạn. Một trong những nguyên tắc của báo chí điều tra là bí mật nguồn tin và bí mật việc điều tra với cả những đồng nghiệp khác (không có quyền được biết và không có trách nhiệm quản lý dự án điều tra) để tránh bị lộ thông tin từ bên trong toà soạn. Tuỳ từng mục đích, đối tượng và nội dung, thời điểm cũng như khả năng tạo hiệu lực và hiệu quả xã hội của dự án báo chí điều tra mà có sự tham gia phối hợp khác nhau của các chủ thể quản lý thực hiện báo chí điều tra trong từng cơ quan báo chí”, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ./.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra