Bất cập xử lý sai phạm tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thứ tư, 21/12/2022 18:57
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển cả về quy mô và khối lượng phát hành và luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư, thực tế hiện nay trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì tăng trưởng "nóng", nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đã được cơ quan quản lý liên tục đưa ra những cảnh báo đối với nhà đầu tư, đặc biệt đối với những nhà đầu tư cá nhân.

1. Một số hạn chế trong xử lý vi phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với công ty đại chúng); Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với công ty không phải là công ty đại chúng); Nghị định số 153/2020/NĐ-CP  ngày ngày 1/12/2020  định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành TPDN ra công chúng); Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phạm trong phát hành trái phiếu từ 70 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Trường hợp vi phạm công bố thông tin mức phạt tối đa đến 70 triệu đồng, không thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ hoặc thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. Mức phạt tối đa lên đến 300 triệu đồng đối với hành vi: không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, không rà soát đối tượng tham gia mua đúng quy định. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động phát hành, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề….Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi trái phiếu doanh nghiệp, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư cộng thêm tiền lãi tính theo lãi ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi ngân hàng; buộc báo cáo, cung cấp thông tin chính xác; buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin; buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ tố cáo của người bị hại liên quan tới hành vi vi phạm trong mua bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ gia tăng nhanh, tập trung chủ yếu vào một số hành vi như: doanh nghiệp phát hành trái phiếu cố tình công bố thông tin sai sự thật, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo. Thanh toán không đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành, không đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều trường hợp kinh doanh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Nhiều doanh nghiệp chào bán không tuân thủ quy định xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Một số đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua trái phiếu phát hành doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền. Nguyên nhân của những bất cập trên do:

Thứ nhất, thực tế hiện nay các biện pháp xử phạt của cơ quan quản lý chưa đủ sức răn đe. Trong khi giá trị thu lợi từ các vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt, vì thế nhiều Công ty chứng khoán đã cố tình cho qua những điều kiện bắt buộc quan trọng đối với đơn vị muốn phát hành, bỏ qua cả giá trị đạo đức của người làm nghề khi tư vấn, lôi kéo, hỗ trợ nhà đầu tư không phải là chuyên nghiệp tham gia thị trường, miễn là thu hút được dòng tiền. Họ sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, bất chấp rủi ro cho người mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai, mặc dù cơ quan quản lý cụ thể là Bộ Tài chính đã nỗ lực thúc đẩy các đơn vị chức năng kiểm tra, nhưng thực tế là có đến vài trăm nghìn doanh nghiệp phát hành nhưng cơ quan kiểm tra sẽ không thể đủ bao quát cũng như đủ năng lực, nhân sự và thời gian để giám sát đầy đủ. Mặt khác, khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai phạm phần lớn chủ yếu là xử phạt hành chính, với số tiền phạt quá nhẹ so với nguồn lợi từ vi phạm, hầu như chưa thấy áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung bắt buộc khắc phục hậu quả, dẫn đến nhiều doanh nghiệp cố tình thực sai phạm hiện bỏ qua cả sự tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, việc chỉ ra tội danh cụ thể trong hoạt động phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng pháp luật lại quy định chưa chi tiết. Đây có thể vẫn là khoảng trống dẫn đến khó xử lý nghiêm minh, kịp thời, đủ sức răn đe theo pháp luật hình sự đối với hành vi vi phạm.

Thứ ba, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 quy định về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 153/202/NĐ-CP ngày 1/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, mặc dù đã “quản” chặt hơn các chủ thể tham gia thị trường nhưng không yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm mới được phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nhà nước cho phép doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán 2019 hiện tại cũng không hạn chế các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và cũng chưa quy định việc khống chế tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp gấp bao nhiêu lần vốn chủ sở hữu mà chỉ quy định doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác, minh bạch về tình hình tài chính, tổng số nợ phải trả, chỉ tiêu về cơ cấu vốn, chỉ tiêu về khả năng thanh toán… Do đó, đây cũng là một yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư không phải chuyên nghiệp.

Thứ tư, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng phát triển thì song song bên cạnh đó mức độ tính chất vi phạm của tội phạm sẽ ngày càng phức tạp hơn, thực tế nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao nhưng vẫn thực hiện phát hành trái phiếu, có những doanh nghiệp thực hiện chào bán công khai trái phiếu phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng việc công bố thông không đầy đủ tin chỉ mang tính chất đối phó, lách quy định về công bố thông tin nhằm sử dụng vốn vay sai mục đích không giống như những thông tin đã công bố, cam kết. Ngoài ra để tạo lòng tin với nhà đầu tư một số doanh nghiệp còn thành lập ra nhiều công ty con sở hữu chồng chéo với nhau tạo ra nhiều tài sản đảm bảo để thu hút nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu của mình nhưng các tài sản chủ yếu của các doanh nghiệp này là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc các cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản gặp khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo bị giảm dẫn đến việc rủi ro thanh toán trái phiếu khi đến hạn.

2. Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững cần triển khai những giải pháp sau:

Một là, về khung pháp lý, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan theo hướng tăng nặng chế tài hành chính và cả chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp với nhiều quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, về pháp lý vẫn phải tiếp tục rà soát ở cấp luật. Trong đó, 2 luật liên quan trực tiếp đến các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn là Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, do đó tập trung rà soát cả ba khía cạnh: điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, điều kiện đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép tham gia đầu tư, cách thức phát hành trái phiếu, quy định giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý. Bên cạnh việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp cần xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đồng thời thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, song song  bên cạnh đó phải đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền về pháp luật cảnh báo rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường.

Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát thành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường công khai minh bach, an toàn trên thị trường vốn ổn định thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh, kiểm tra,cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên thị trường cũng như hạn chế rủi ro tối đa cho các nhà đầu tư.

Bốn là, đối với các nhà đầu tư khi cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, phải lưu ý: (1), trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu; (2) khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này; (3) các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành./.

Phạm Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra