Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về tiếp công dân, nội quy, quy chế tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân vẫn thường xuyên xảy ra. Các hành vi vi phạm của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân, như: Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; khi không được đáp ứng quyền lợi hoặc từ chối tiếp công dân thì có hành vi xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ... Tuy nhiên, các hành vi này ít khi bị xử phạt vi phạm hành chính tại Trụ sở tiếp công dân, chỉ khi có lực lượng công an can thiệp, mời về trụ sở công an làm việc thì lúc này người có hành vi vi phạm mới bị xử lý theo quy định.
Tại Khoản 5 Điều 14 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định về thẩm quyền của Trưởng ban Tiếp công dân: “5. Yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân, nội quy, quy chế tiếp công dân”. Như vậy, khi người có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân, nội quy, quy chế tiếp công dân (gọi chung là vi phạm pháp luật về tiếp công dân) tại Trụ sở Tiếp công dân thì Trưởng Ban tiếp công dân không có thẩm quyền xử lý nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng mà phải yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền xử lý. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân.
|
|
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum tiếp công dân định kỳ tháng 6/2022. (Ảnh minh họa, nguồn kontum.gov.vn) |
Bên cạnh đó, Khoản 6 Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định về trách nhiệm của người tiếp công dân: “6. Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này thì người tiếp công dân phải lập biên bản về việc vi phạm (không phải là biên bản vi phạm hành chính), sau đó chuyển biên bản vụ việc vi phạm đến UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã (nơi Trụ sở Tiếp công dân đóng chân) để người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Thực tiễn thi hành quy định này phát sinh những khó khăn, vướng mắc, như: Người tiếp công dân là công chức hoặc viên chức khó có thể trực tiếp thực hiện quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định mà phải tham mưu, đề xuất với Trưởng hoặc Phó Trưởng Ban tiếp công dân đề nghị cơ quan chức năng xử lý; đồng thời, chưa có quy định như thế nào là trong trường hợp cần thiết thì người tiếp công dân mới lập biên bản về việc vi phạm; chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung biên bản về việc vi phạm. Trong trường hợp không xác định nhân thân người vi phạm hoặc người vi phạm không ký xác nhận vào biên bản thì vụ việc có đảm bảo điều kiện để chuyển đến cơ quan chức năng tiến hành xử lý hành vi vi phạm hay không...
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm tại Trụ sở Tiếp công dân, cần thiết phải có quy định trao quyền cho Trưởng Ban tiếp công dân là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân. Khi phát hiện hành vi vi phạm, người tiếp công dân phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định, sau đó chuyển biên bản vi phạm hành chính và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Trưởng ban tiếp công dân để xem xét, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Muốn vậy, cần phải bổ sung Trưởng Ban tiếp công dân là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Trong đó, cần quy định cụ thể hành vi, mức xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân./.