Thứ ba, niêm phong hồ sơ, tài liệu
Trưởng đoàn thanh tra quyết định niêm phong hồ sơ, tài liệu khi có một trong các căn cứ sau đây: (1) Khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra và cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu để chứng minh sự vi phạm pháp luật; (2) Khi cần thiết phải ngăn chặn kịp thời các hành vi sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, huỷ hoại tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra.
Thông tin liên quan đến quyết định niêm phong hồ sơ, tài liệu phải được giữ bí mật trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn thanh tra cũng có thẩm quyền quyết định mở niêm phong tài liệu khi cần khai thác tài liệu theo đề nghị của người được phép khai thác tài liệu niêm phong; hoặc thời hạn niêm phong ghi trong quyết định đã hết mà không được gia hạn; hoặc khi không còn cần thiết áp dụng biện pháp niêm phong tài liệu.
Khi thực hiện việc niêm phong tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra quyết định việc niêm phong, mở niêm phong theo đề nghị của thành viên Đoàn thanh tra; đồng thời, báo cáo người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện niêm phong tài liệu.
Nếu là thành viên Đoàn thanh tra, phải đề nghị với Trưởng đoàn thanh tra, mở niêm phong tài liệu; thực hiện việc niêm phong theo quyết định của Trưởng đoàn thanh tra.
Đối với đối tượng thanh tra, phải chấp hành quyết định niêm phong tài liệu; cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc niêm phong tài liệu theo yêu cầu của người tiến hành thanh tra; cử đại diện tham gia niêm phong tài liệu, mở niêm phong tài liệu và ký biên bản niêm phong tài liệu, biên bản mở niêm phong tài liệu; không được cản trở hoạt động niêm phong tài liệu, cất giấu, hủy hoại tài liệu; bảo quản tài liệu niêm phong khi được giao theo quyết định niêm phong tài liệu.
Thứ tư, kiểm kê tài sản
Khi tiến hành thanh tra tài sản nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt, có hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định hoặc báo cáo để người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm kê tài sản.
Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra là việc cân, đong, đo, đếm số lượng, xác nhận và đánh giá chất lượng, xác định giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán, phục vụ cho hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra.
Thông tin quyết định kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra phải được giữ bí mật trước khi thực hiện./.
Khi Trưởng đoàn thanh tra quyết định việc kiểm kê tài sản theo đề nghị của thành viên Đoàn thanh tra; báo cáo người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện kiểm kê tài sản. Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra ký quyết định kiểm kê tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm lập thủ tục đề nghị người ra quyết định thanh tra ra quyết định kiểm kê tài sản; yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện kiểm kê tài sản; tổ chức kiểm kê tài sản theo quyết định của người ra quyết định thanh tra.
Nếu là thành viên Đoàn thanh tra, có quyền đề nghị với Trưởng đoàn thanh tra kiểm kê tài sản; yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện kiểm kê tài sản; thực hiện việc kiểm kê tài sản theo quyết định của Trưởng đoàn thanh tra.
Đối với đối tượng thanh tra, chấp hành quyết định kiểm kê tài sản; cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kiểm kê tài sản theo yêu cầu của thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra; cử đại diện tham gia kiểm kê tài sản và ký biên bản kiểm kê tài sản; không được cản trở hoạt động kiểm kê tài sản, cất giấu, hủy hoại tài sản; bảo quản tài sản kiểm kê khi được giao theo quyết định kiểm kê tài sản.
Thứ năm, trưng cầu giám định
Trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra là việc làm rõ những tình tiết của sự việc, sự vật hoặc một hành vi, tài liệu nào đó thông qua việc sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại kết hợp với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của giám định viên để đánh giá, kết luận về chuyên môn, kỹ thuật làm cơ sở cho những nhận xét, đánh giá, kết luận về nội dung thanh tra.
Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.
Để tiến hành giám định, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra chuẩn bị các thông tin, tài liệu, vật chứng hoặc lấy mẫu để trưng cầu giám định, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai và đúng quy định của pháp luật.
Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra có văn bản trưng cầu giám định(1) với tổ chức giám định có thẩm quyền; có đủ năng lực; văn bản trưng cầu giám định phải ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.
Khi yêu cầu giám định phải làm hợp đồng; việc giao nhận các thông tin, tài liệu hoặc vật chứng cung cấp cho cơ quan giám định phải lập biên bản.
Cơ quan, tổ chức được yêu cầu thực hiện việc giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định.
Trưởng đoàn thanh tra phải theo dõi, đôn đốc tiến độ giám định, không được can thiệp vào hoạt động chuyên môn giám định và kết quả giám định.
Việc giao nhận kết quả giám định giữa tổ chức giám định và Đoàn thanh tra phải lập biên bản.
Biên bản giao nhận kết quả giám định, gồm: Kết luận giám định và các tài liệu liên quan tới kết luận giám định, những tài liệu đã cung cấp cho cơ quan giám định.
Khi nhận kết quả giám định hoặc trong quá trình sử dụng kết quả giám định, nếu xét thấy chưa đáp ứng yêu cầu đã đặt ra hoặc thấy kết quả giám định chưa chính xác, không phù hợp với thực tế khách quan thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra yêu cầu tổ chức đã giám định hoặc tổ chức giám định khác giám định lại.
Hồ sơ về việc trưng cầu và kết quả giám định được lưu hồ sơ cuộc thanh tra.
Kinh phí giám định do người ra quyết định thanh tra trưng cầu giám định chi trả; trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định sẽ do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ sáu, quyết định tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu phát hiện thấy đối tượng thanh tra có những việc làm sai chế độ, chính sách; vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội; lạm dụng quyền hạn hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định(2) hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm đó.
Quyết định tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ phải bằng văn bản nêu rõ căn cứ được quy định tại Luật Thanh tra; chức danh của người ra quyết định tạm đình chỉ; lý do tạm đình chỉ (việc làm có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân); cơ quan, tổ chức, cá nhân có việc làm bị tạm đình chỉ; địa điểm diễn ra việc làm bị tạm đình chỉ; thời gian tạm đình chỉ; cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ thi hành quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).
Trường hợp phát hiện đối tượng thanh tra có việc làm nhằm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, buôn lậu, kinh doanh trái phép, tuyên truyền văn hoá đồi trụy thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị(3) hoặc báo cáo người ra quyết định thanh tra kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm đó.
Quyết định tạm đình chỉ, văn bản kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ được lưu hồ sơ cuộc thanh tra để làm căn cứ kết luận về nội dung thanh tra.
Khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định(4) hoặc kiến nghị người ra quyết định thanh tra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đã đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ.
Thứ bảy, kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra
Trình tự thực hiện: Khi có căn cứ cho thấy, đối tượng thanh tra có hành vi cố ý cản trở việc thanh tra hoặc cố tình không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với Trưởng đoàn thanh tra. Nếu thấy cần thiết, chậm nhất 1 ngày tính từ ngày nhận được báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra kiến nghị với người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức; trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp này, Trưởng đoàn thanh tra phải trả lời cho thành viên Đoàn thanh tra biết và nêu rõ lý do.
Sau khi nhận được báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra, chậm nhất 1 ngày, tính từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra; căn cứ vào quy định về phân cấp quản lý cán bộ, người ra quyết định thanh tra ra văn bản kiến nghị với người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức; trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp này, người ra quyết định thanh tra phải trả lời cho Trưởng đoàn thanh tra biết và nêu rõ lý do.
Văn bản của thành viên Đoàn thanh tra đề nghị Trưởng đoàn thanh tra; văn bản của Trưởng đoàn thanh tra báo cáo với người ra quyết định thanh tra và văn bản của người ra quyết định thanh tra kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức phải nêu rõ căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra; họ, tên, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức bị kiến nghị tạm đình chỉ công tác; hành vi cố ý cản trở hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra; lý do cụ thể của việc đề nghị tạm đình chỉ công tác, thời hạn tạm đình chỉ công tác; trách nhiệm thực hiện của người được kiến nghị và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời hạn kiến nghị tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức do Trưởng đoàn thanh tra đề xuất nhưng không vượt quá thời hạn thanh tra được ghi trong quyết định thanh tra. Trường hợp đặc biệt, thời hạn tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức không vượt quá thời điểm người ký quyết định thanh tra ký kết luận thanh tra.
Trách nhiệm khi thực hiện quyền kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức thuộc về thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra.
Quá trình thực hiện quyết định tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, Trưởng đoàn thanh tra phải hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện.
Khi xét thấy việc tạm đình chỉ công tác không còn cần thiết nữa, hoặc chậm nhất là khi kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra có văn bản(5) với người đã ra quyết định tạm đình chỉ ra quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ.
Cán bộ, công chức của đơn vị là đối tượng thanh tra bị tạm đình chỉ được quyền khiếu nại, giải trình với thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức; trong thời gian xem xét khiếu nại, giải trình, cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ vẫn phải chấp hành quyết định của người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức.
Người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc việc tạm đình chỉ công tác và báo cáo kết quả xử lý đối với cán bộ, công chức với người ra quyết định thanh tra.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) Mẫu số 18 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP
(2) Mẫu số 19 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP
(3) Mẫu số 20 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP
(4); (5); Mẫu số 27 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP
TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ