Một số kiến nghị trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2022

Thứ năm, 06/04/2023 08:20
(ThanhtraVietNam) - Tại hội thảo tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022 do Thanh tra Chính phủ tổ chức tại thanh phố Hồ Chí Minh, vừa qua. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Ngô Minh Châu đã có những kiến nghị đóng góp vào xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Ngô Minh Châu, nhận thức được tầm quan trọng của công tác thanh tra - một chức năng thiết yếu của công tác quản lý nhà nước, một giai đoạn của chu trình quản lý nhà nước, một hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, kể từ khi Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành, có hiệu lực thi hành, UBND thành phố luôn kịp thời chỉ đạo, quán triệt lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức nâng cao trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thanh tra, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao hàng năm.

Đối với Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc chỉ đạo tăng cường tính chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật thanh tra, cần thực hiện tốt nhiệm vụ “Chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với Thanh tra sở, Thanh tra cấp huyện” để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra trên toàn địa bàn thành phố, góp phần quan trọng trong xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Ngô Minh Châu phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đình Thuyết)

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Luật Thanh tra đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua, với 07 chương, 118 Điều. Đây là cơ sở pháp lý nền tảng, rất quan trọng cho hoạt động thanh tra nói chung, hoạt động thanh tra chuyên ngành bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 tới đây.

Tuy nhiên qua nghiên cứu Luật và hoạt động thực tiễn tại cơ sở, UBND thành phố có một số kiến nghị để khi ban hành Nghị định hướng dẫn Luật được cụ thể hơn, đó là:

Thứ nhất, về tổ chức của cơ quan thanh tra Sở:

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật…

Việc thực hiện tốt hoạt động thanh tra chuyên ngành sẽ góp phần rất tích cực trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Với mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á… công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống xã hội của người dân, doanh nghiệp và những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho công cuộc phát triển của thành phố sẽ đặt ra yêu cầu, thách thức ngày càng cao, chặt chẽ.

Vì vậy, đề xuất Thanh tra Chính phủ cân nhắc thêm việc bổ sung các đơn vị thanh tra Sở phù hợp với thực tiễn hiện nay để thuận lợi trong triển khai hoạt động, tránh xáo trộn quá nhiều về mặt bộ máy khi Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định về hoạt động thanh tra chuyên ngành có hiệu lực thi hành hoặc quy định cụ thể thêm về tổ chức, hoạt động của các Thanh tra Sở trong giai đoạn chuyển tiếp bởi việc thành lập Thanh tra Sở do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cần thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định trong một khoảng thời gian nhất định.

Thứ hai về hoạt động của cơ quan Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh có liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành:

 Một trong những điểm mới rất quan trọng, mang tính chất bước ngoặt trong hoạt động của thanh tra tỉnh chính là việc “Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra”. Do đó, cơ sở pháp lý cho việc triển khai, thực hiện phải đảm bảo “tương đối” đầy đủ. Trong đó, kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần có quy định cụ thể về việc thực hiện quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra tỉnh khi thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và phát hiện có hành vi vi phạm, phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Mặt khác, với khối lượng công việc phát sinh ngày càng nhiều, để đáp ứng đươc yêu cầu chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh thật sự đã rất nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành đòi hỏi nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của ngành sẽ thực hiện thanh tra. Vì vậy, ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chú trọng thật kỹ, cân nhắc việc thành lập Thanh tra Sở tại các sở, ngành có phạm vi quản lý ngành rộng, phức tạp và việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất có thể có để cơ quan Thanh tra Thành phố Hồ Chí Mình hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Qua trình thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ này, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố sẽ quan tâm chỉ đạo xử lý các đề xuất (nếu có) của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là đối với vấn đề biên chế và kinh phí hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Thanh tra thành phố và thanh tra các sở-ngành thành phố quan tâm, nghiên cứu và có ý kiến đóng góp toàn diện đối với dự thảo Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để có Văn bản chính thức gửi Thanh tra Chính phủ để dự thảo Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi được ban hành, có hiệu lực thi hành sẽ củng cố vững chắc hơn nữa hành lang pháp lý cho hoạt động của Thanh tra Sở, là điều kiện quan trọng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định 2213/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng cơ quan thanh tra nhà nước có thực quyền, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả dựa trên nguyên tắc khách quan, công bằng và từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập hiện nay”.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra