Nâng cao năng lực công tác của Trưởng đoàn thanh tra(tiếp theo và hết)

Thứ ba, 28/03/2023 09:31
(ThanhtraVietNam) - Pháp luật thanh tra quy định, trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có quyền: Niêm phong tài liệu; kiểm kê tài sản; yêu cầu giám định; tạm đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ việc làm gây thiệt hại; tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép; thu hồi tiền và thu hồi tài sản; kiến nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định; kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

8.  Xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải kịp thời chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra để chấm dứt hành vi vi phạm; khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải báo cáo Trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

8.1. Thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

Pháp luật thanh tra quy định, trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có quyền: Niêm phong tài liệu; kiểm kê tài sản; yêu cầu giám định; tạm đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ việc làm gây thiệt hại; tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép; thu hồi tiền và thu hồi tài sản; kiến nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định; kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Khi thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra cần lưu ý:

- Phải bảo đảm đúng thẩm quyền; các quyền đưa ra phải có căn cứ, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, tránh chủ quan dẫn đến vi phạm pháp luật, gây tâm lý không tốt đến đối tượng thanh tra và ảnh hưởng đến kết quả cuộc thanh tra; bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

- Các quyền đưa ra phải đảm bảo tính khả thi.

- Việc thực hiện các quyền phải bằng văn bản, đúng thể thức, đúng thủ tục trình tự, buộc đối tượng thanh tra phải thực hiện, không có lý do trì hoãn hoặc từ chối thực hiện.

Khi thực hiện quyền phải tuân thủ trình tự và thủ tục sau đây:

- Phải xác định mục đích sử dụng quyền; nội dung của quyền; phương pháp tổ chức và biện pháp thực hiện; thời điểm và thời gian thực hiện; các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện quyền.

- Khi sử dụng quyền phải chủ động, xây dựng kế hoạch hay lịch làm việc cụ thể; trường hợp không phải giữ bí mật thì thông báo trước cho đối tượng thanh tra về thời gian, địa điểm, nội dung làm việc để đối tượng thanh tra chủ động sắp xếp công việc, chuẩn bị thông tin, tài liệu.

- Tuỳ từng quyền và điều kiện hoàn cảnh cụ thể để vận dụng cho thích hợp; phải tổ chức thực hiện ngay khi áp dụng quyền tạm đình chỉ hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra; các loại quyền khác phải chuẩn bị soạn thảo công văn, tài liệu, báo cáo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan.

- Khi thực hiện quyền, nếu đối tượng thanh tra gặp khó khăn, trở ngại khách quan hoặc có công việc quan trọng đột xuất, có thể điều chỉnh thời gian làm việc hoặc tìm giải pháp khắc phục khác, tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra.

8.2. Việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

 Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đồng thời thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp biết.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm dự thảo văn bản chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra trình người ra quyết định thanh tra ký; việc giao nhận hồ sơ giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra phải lập thành biên bản.

Hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra gồm có:

- Văn bản chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Quyết định thanh tra; biên bản kiểm tra, xác minh vụ việc vi phạm pháp luật; báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra; những thông tin, tài liệu khác có liên quan; báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra về những vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra có dấu hiệu tội phạm hoặc bản trích kết luận thanh tra về vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

9. Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra

Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch, kịp thời phát hiện những sai phạm của đối tượng thanh tra nhưng không nằm trong quyết định thanh tra. Mặt khác, theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, kế hoạch thanh tra có thể được bổ sung thêm nội dung mới. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra không được vượt quá phạm vi thanh tra đã được xác định trong quyết định thanh tra.

Khi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải lấy ý kiến của thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

leftcenterrightdel

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Thanh tra.

Ảnh: TTXVN

 

10. Gia hạn thời hạn thanh tra

Trong quá trình thanh tra, khi cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra gia hạn thời gian thanh tra kèm theo dự thảo quyết định gia hạn; văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, thời gian gia hạn.

Việc gia hạn thời hạn thanh tra được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Cuộc thanh tra có diễn biến phức tạp hoặc đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều địa bàn.

- Việc cần thiết phải lấy ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoặc thực hiện việc trưng cầu giám định các nội dung liên quan đến cuộc thanh tra đòi hỏi phải có thời gian.

- Vụ việc cần phải xác minh, làm rõ do có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi thanh tra; vụ việc cần phải xác minh, làm rõ do có hành vi tham nhũng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.

- Khi có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra.

Việc gia hạn thời hạn thanh tra không được quá thời hạn tối đa quy định tại Điều 45 Luật Thanh tra (đối với thanh tra hành chính), Điều 16 Nghị định 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ (đối với thanh tra chuyên ngành). Việc gia hạn thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra thực hiện theo mẫu quy định của pháp luật thanh tra; được gửi cho đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

11. Thực hiện chế độ báo cáo, ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra

Căn cứ kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo việc thực hiện chế độ báo cáo, ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra.

- Chế độ báo cáo: Căn cứ việc giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, Trưởng đoàn thanh tra quy định thời gian thực hiện, thời hạn báo cáo tiến độ cho từng thành viên đoàn thanh tra hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất của Trưởng đoàn thanh tra. Sau khi xem xét báo cáo, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo trực tiếp tiến độ thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ được giao ngay sau khi hoàn thành; báo cáo về những vấn đề phát sinh ngoài nhiệm vụ được giao hoặc cần phải được xử lý ngay để có ý kiến xử lý.

Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo tiến độ về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với người ra quyết định thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Báo cáo này đồng thời được gửi cho người thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.

- Ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra: Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm quản lý và ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra một cách chính xác, khách quan, trung thực những nội dung có liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra diễn ra từ khi công bố quyết định thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra.

Nhật ký Đoàn thanh tra được ghi hàng ngày theo trình tự thời gian, với các nội dung sau:

+ Ngày, tháng, năm; việc vắng mặt và lý do vắng mặt của thành viên đoàn thanh tra (nếu có); các công việc chung của đoàn thanh tra; các công việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên đoàn thanh tra trong ngày; tên cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã làm việc, kiểm tra, xác minh.

+ Việc giao ban, hội ý hàng ngày; các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động của đoàn thanh tra và ý kiến chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra.

+ Những vấn đề ngoài thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý.

+ Ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.

+ Các nội dung khác có liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra (nếu có).

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm quản lý sổ nhật ký đoàn thanh tra;  trường hợp vì lý do khách quan, sổ nhật ký đoàn thanh tra bị mất hoặc hư hỏng thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý.

Mẫu sổ nhật ký đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Sổ nhật ký đoàn thanh tra được lưu trữ trong hồ sơ thanh tra.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đoàn thanh tra có thể được chia nhiều tổ, nhóm, cùng lúc hoạt động trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực khác nhau nên việc ghi sổ nhật ký thanh tra không được kịp thời. Để xử lý vấn đề này, Trưởng đoàn thanh tra có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ghi nhật ký đoàn thanh tra hoặc ủy quyền cho tổ trưởng, nhóm trưởng ghi sổ nhật ký thanh tra của tổ, nhóm đó đồng thời báo cáo hàng ngày với Trưởng đoàn thanh tra bằng hình thức thích hợp.

Việc ghi sổ nhật ký thanh tra phải bảo “MẬT” theo quy định.

12. Kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra

Khi gần hết thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị là đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải họp đoàn thanh tra để rà soát lại kết quả thanh tra đối với từng nội dung thanh tra. Nếu kết quả thanh tra từng nội dung ghi trong quyết định thanh tra chưa được làm rõ hoặc chưa đạt yêu cầu, Trưởng đoàn thanh tra có thể tính đến phương án gia hạn thời gian thanh tra. Ngược lại, các nội dung thanh tra đã cơ bản hoàn thành, Trưởng đoàn thanh tra cần chuẩn bị các thủ tục để kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, như: Báo cáo người ra quyết định thanh tra cho ý kiến chỉ đạo; thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra về việc kết thúc thanh tra trực tiếp sau khi đã tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra.

Việc kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị là đối tượng thanh tra không có nghĩa là chấm dứt việc thu thập chứng cứ. Trong biên bản về việc kết thúc thanh tra trực tiếp, Trưởng đoàn thanh tra cần yêu cầu đối tượng thanh tra tiếp tục cung cấp hồ sơ tài liệu, giải trình hoặc báo cáo về nội dung được thanh tra khi có yêu cầu hoặc đối tượng thanh tra tự thấy cần thiết phải có giải trình, báo cáo bổ sung (kèm theo các chứng cứ) với đoàn thanh tra.

13. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra

Theo quy định của pháp luật thanh tra, chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Trưởng đoàn thanh tra về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, trung thực về nội dung báo cáo đó.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra phải có các nội dung sau đây:

- Kết quả kiểm tra, xác minh theo nhiệm vụ được phân công;

- Đối chiếu với quy định của pháp luật, kết luận rõ đúng, sai về từng nội dung đã được kiểm tra, xác minh; nêu rõ hành vi tham nhũng phát hiện qua thanh tra (nếu có);

- Xác định rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;

- Kiến nghị, đề xuất việc xử lý về kinh tế, hành chính, hình sự (nếu có) đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật (nêu rõ quy định của pháp luật, cơ sở thực tiễn của những kiến nghị, đề xuất).

Trong trường hợp nhận thấy nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra chưa rõ, chưa đầy đủ thì Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu thành viên đoàn thanh tra bổ sung, hoàn thiện báo cáo.

14. Báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra

Căn cứ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra; căn cứ hồ sơ, tài liệu do Trưởng đoàn thanh tra trực tiếp thu thập, Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra.

- Báo cáo kết quả thanh tra hành chính phải có các nội dung:

+ Khái quát về đặc điểm, tình hình tổ chức, hoạt động có liên quan đến nội dung thanh tra của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

+ Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đã tiến hành thanh tra.

+ Kết luận về kết quả đạt được; hạn chế, sai phạm (nếu có); xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ vi phạm.

+ Ý kiến khác nhau giữa thành viên đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra.

+ Biện pháp xử lý đã được áp dụng như: Tạm đình chỉ hành vi vi phạm kiểm kê tài sản, niêm phong tài liệu,...

+ Kiến nghị biện pháp xử lý.

Báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ quy định của pháp luật làm căn cứ để xác định tính chất, mức độ vi phạm, kiến nghị biện pháp xử lý.

Báo cáo kết quả thanh tra được gửi người ra quyết định thanh tra. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì báo cáo kết quả thanh tra còn phải gửi cho thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

- Báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành phải có các nội dung:

+ Khái quát về đặc điểm, tình hình tổ chức, hoạt động có liên quan đến nội dung thanh tra của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

+ Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đã tiến hành thanh tra.

+ Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, chuyên môn - kỹ thuật của đối tượng thanh tra.

+ Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng trong quá trình tiến hành thanh tra.

+ Kiến nghị các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua thanh tra (nếu có);

+ Ý kiến khác nhau giữa thành viên đoàn thanh tra (nếu có).

- Khi cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra có thể tổ chức đối thoại, chất vấn với đối tượng thanh tra về những nội dung cần kết luận trong báo cáo kết quả thanh tra hoặc tham khảo ý kiến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan để bảo đảm cho việc nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý được chính xác, khách quan. Trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm về việc tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra lấy ý kiến của thành viên đoàn thanh tra về dự thảo báo cáo kết quả thanh tra. Nếu có vấn đề nào không đồng ý về nội dung trong dự thảo báo cáo liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công hoặc những phần khác trong báo cáo, thành viên đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến trước Trưởng đoàn thanh tra. Ý kiến bảo lưu của thành viên đoàn thanh tra được thể hiện bằng văn bản hoặc bút tích của thành viên đoàn thanh tra trên dự thảo báo cáo được gửi cho người ra quyết định thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

- Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Trong trường hợp cần phải làm rõ hoặc bổ sung thêm nội dung của báo cáo kết quả thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có thể đề nghị triệu tập cuộc họp có sự tham dự của thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, người thực hiện giám sát để Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra báo cáo trực tiếp người ra quyết định thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra hoàn chỉnh báo cáo bổ sung theo biên bản họp đoàn thanh tra kèm theo những ý kiến khác nhau của thành viên đoàn thanh tra (nếu có) và ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, trình người ra quyết định thanh tra.

15. Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra

Căn cứ chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra giúp người ra quyết định thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.

Dự thảo kết luận thanh tra hành chính hay thanh tra chuyên ngành sẽ bao gồm các nội dung được nêu trong báo cáo kết quả thanh tra.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo, giải trình để làm rõ thêm những vấn đề trong dự thảo kết luận về nội dung thanh tra theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.

Trong trường hợp yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, giải trình thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm:

+ Dự thảo văn bản trình người ra quyết định thanh tra ký kèm theo dự thảo kết luận thanh tra hoặc một số nội dung trong dự thảo kết luận thanh tra liên quan đến yêu cầu giải trình gửi đối tượng thanh tra.

+ Tiếp nhận văn bản giải trình của đối tượng thanh tra kèm theo các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình.

+ Yêu cầu đối tượng thanh tra giữ bí mật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lộ dự thảo kết luận thanh tra hoặc một số nội dung trong dự thảo kết luận thanh tra; lộ nội dung giải trình.

+ Tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra trước khi hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

+ Sau khi xin ý kiến của thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trên cơ sở đã tiếp thu, làm rõ thêm những vấn đề trong báo cáo của thành viên đoàn thanh tra; giải trình của đối tượng thanh tra để trình người ra quyết định thanh tra.

Phiếu trình dự thảo kết luận thanh tra phải có chữ ký của thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra; trong trường hợp thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì ghi rõ trong phiếu trình. Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung dự thảo kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra. Ý kiến bảo lưu được thể hiện bằng văn bản gửi kèm theo dự thảo kết luận thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

16. Ban hành và công khai kết luận thanh tra

Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo kết quả thẩm định và ý kiến của thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Trưởng đoàn thanh tra giúp người ra quyết định thanh tra hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra để ký và ban hành.

Kết luận thanh tra được công khai theo quy định của pháp luật, trừ nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Sau khi kết luận thanh tra được ký và ban hành công khai, Trưởng đoàn thanh tra kết thúc nhiệm vụ của mình.

- Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc giao trả hồ sơ, tài liệu không cần thu giữ cho đối tượng thanh tra. Việc giao trả hồ sơ, tài liệu được lập thành biên bản giao nhận giữa thành viên đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để kết thúc hoạt động của đoàn thanh tra. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo kết quả cuộc họp với người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra; nội dung họp được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

- Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày đóng hồ sơ thanh tra (ngày người có thẩm quyền ra văn bản chỉ đạo hoặc quyết định về việc xử lý kết quả thanh tra), Trưởng đoàn thanh tra tổ chức, chỉ đạo việc lập và bàn giao hồ sơ thanh tra.

Việc bàn giao hồ sơ thanh tra được lập thành biên bản và thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật Thanh tra, Điều 49 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ./.

TTVCC Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra