Thành phố Hồ Chí Minh: Sự cần thiết duy trì cơ cấu tổ chức Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao

Thứ sáu, 07/04/2023 08:41
(ThanhtraVietNam) - Đó là tham luận của đại diện Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh tại hội thảo tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022 do Thanh tra Chính phủ tổ chức.

Về cơ sở pháp lý

Theo đại diện Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Theo khoản 1 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022 quy định vị trí, chức năng, của thanh tra sở như sau: Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật

Tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra thì Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, thì ngành văn hóa, thể thao và du lịch có phạm vi quản lý rộng với đa ngành, đa lĩnh vực như: văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, du lịch và quảng cáo…

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, theo đó mục tiêu chung trong định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu: “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác”.

Vì vậy, việc duy trì Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao là điều kiện cần thiết.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Đình Thuyết) 

Về cơ sở thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đại diện Thanh tra sở cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và quảng cáo (không bao gồm nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin); việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao có 9 phòng chuyên môn và 32 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số người làm việc gồm: 139 công chức, 946 viên chức và 336 người lao động. Thực hiện cấp phép cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở và theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố như: cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cho hơn 500 cơ sở; tiếp tục gia hạn 544 vị trí quảng cáo; ban hành 2.839 văn bản chấp thuận cho tổ chức thực hiện biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thể thao cho hơn 672 cơ sở. Mặt khác, có nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép, biến tướng cần thanh tra, kiểm tra để quản lý chặt chẽ.

leftcenterrightdel
Đại diện Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Đình Thuyết)

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giải trí, du lịch và giáo dục của cả nước hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095 km2 với dân số trên 10 triệu người. Do vậy, tại Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao. Ngoài các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh chấp hành tốt các quy định pháp luật, còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã hoạt động kinh doanh không có giấy phép, sai phép, hoạt động văn hóa, thể thao, kinh doanh văn hóa, thể thao không đủ điều kiện theo quy định của ngành, vi phạm pháp luật ngành, thậm chí hoạt động biến tướng tiềm ẩn nhiều tệ nạn về ma túy, cờ bạc, mại dâm, khiêu dâm, kích dục, các cơ sở không đảm bảo an ninh trật tư, an toàn phòng cháy chữa cháy.  

Hội nhập toàn cầu đã đem lại những cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh việc tiếp nhận những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, hướng con người đến những giá trị tiến bộ, nhân văn, dân chủ, đoàn kết thì cũng có không ít những sản phẩm mượn danh văn hóa để truyền bá những tư tưởng, nội dung thiếu lành mạnh, hủy hoại đạo đức, nhân phẩm con người. Thanh tra Sở trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đã góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và của Thành phố Hồ Chí Minh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã xác định quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”; “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Do vậy, phải thực hiện quản lý nhà nước để văn hóa phát triển đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước đề ra, theo đó hoạt động thanh tra gắn liền hoạt động quản lý nhà nước, cần được củng cố và tăng cường hơn nữa.

Từ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn, nhận thấy việc duy trì cơ cấu tổ chức Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao là một tất yếu, khách quan./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra