Thực tế hiện nay, các nguồn lực phục vụ hoạt động quản lý thuế thường tăng chậm hơn yêu cầu và bị giới hạn… những hoạt động của cơ quan thuế nhằm phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các hành vi gian lận thuế; nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế đang đứng trước những thách thức ngày một lớn. Trong khi đó, các quy định về thuế còn nhiều khoảng trống, chất lượng công tác thanh, kiểm tra thuế chưa cao vì vậy vẫn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp và tình trạng vi phạm pháp luật thuế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế.
1. Bất cập trong xử lý vi phạm thanh tra thuế
Từ năm 2019 đến năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch covid 19, nhiều doanh nghiệp sản xuất bị đình trệ, phá sản, chuỗi cung ứng bị cản trở, hàng hóa bị ứ đọng, doanh nghiệp không xuất, nhập khẩu được hàng hóa, lưu thông gián đoạn… Đây cũng chính là vấn đề lớn trên toàn cầu phải đối diện. Bên cạnh những khó khăn trên thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 14/10/2021 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid 19 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 11/2021, cơ quan thuế đã miễn giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng. Giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP khoảng 19.700 tỷ đồng. Trong đó, đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp, tổng số thuế phát sinh năm 2021 dự kiến giảm khoảng 2.200 tỷ đồng. Với những chính sách hỗ trợ như trên nhưng tổng thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế quản lý đã hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Về công tác kiểm tra trong năm 2021 toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra được 300 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 793 tỷ đồng; giảm lỗ 2.780 tỷ đồng; giảm khấu trừ 10,6 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.560 tỷ đồng. Trong năm 2021, các đơn vị đã kiểm tra được 943.725 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2020; xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 977 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 436 tỷ đồng; giảm lỗ 1.398 tỷ đồng. Qua kiểm tra rà soát các hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát hiện những sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh tăng số thuế kê khai hoặc ấn định thuế. Đối với công tác quản lý nợ thuế, ước đến thời điểm ngày 31/12/2021, toàn ngành Thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.705 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 7.395 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được trong tổng thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế còn có những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm, buông lỏng trong công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch cũng như thực hiện kế hoạch tranh tra, thực hiện xử lý sau thanh tra thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) tại ngành Thuế cụ thể:
Một là, hiện nay số lượng người nộp thuế thì có tới hơn 90% số doanh nghiệp và người nộp thuế đã được kiểm tra, thanh tra thuế, nhưng qua công tác thanh tra, kiểm toán vẫn phát hiện thêm nhiều sai phạm bị bỏ sót và đã kiến nghị tăng thêm số tiền thuế phải thu khá nhiều. Mặc dù cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra và cũng đã có rất nhiều kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế đối với các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên tiền thuế thất thu vẫn còn tương đối nhiều do tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn. Trong khi đó công tác thanh, kiểm tra thuế còn hạn chế, còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp, của người nộp thuế như: Đơn cử như năm 2017 khi Kiểm toán nhà nước kiểm tra đối chiếu 2.497 người nộp thuế, kiểm toán phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị thu thêm 1.351 tỷ đồng và qua đối chiếu thuế 3.171 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, cơ quan thanh tra phát hiện có sai phạm ở 2.921 doanh nghiệp (chiếm 92,1% doanh nghiệp đối chiếu) và xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỷ đồng. Riêng ở TP.HCM, đối chiếu thuế 144 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế, xác định số tăng thu, giảm khấu trừ qua thanh tra là 607 tỷ đồng, tức là bình quân 4,25 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn số cơ quan thuế truy thu.
Hai là, về việc hoàn thuế, miễn thuế cũng xảy ra nhiều sai phạm mà cơ quan thuế bỏ sót như: Áp dụng không đúng thuế suất, miễn giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng... chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế, hoàn thuế không đúng đối tượng, hoàn thuế cho cả những chứng từ không hợp lệ. Thêm vào đó chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế không cao. Trước hết, số doanh nghiệp được cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra rất ít so với số doanh nghiệp đang nộp thuế và theo kết quả thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế thì số thuế được cơ quan thuế xác định phải thu hầu hết vẫn như con số người nộp thuế kê khai. Bên cạnh đó, tình trạng nơi ưu đãi đầu tư quá rộng lại tràn lan dàn trải không đúng quy định. Những ưu đãi không đúng quy định này không chỉ làm thất thu NSNN mà còn gây thiệt hại cho NSNN vì không ít doanh nghiệp làm ăn không chính đáng đã lợi dụng chính sách ưu đãi, thành lập hàng loạt công ty con tại địa bàn được ưu đãi và dùng các thủ đoạn chuyển giá tới các công ty con này để trốn thuế, hàng năm theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước tổng số tiền mà NSNN đã ưu đãi cho các doanh nghiệp tương đương khoảng 5,5- 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%.
Ba là, đối với công tác quản lý thu hồi nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, ngành Thuế còn nhiều tồn tại như chưa thực hiện nghiêm túc đầy đủ, kịp thời đúng quy định của pháp luật về xử lý đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và tình trạng doanh nghiệp sử dụng bất hợp pháp xảy ra trên diện rộng và phức tạp dẫn đến giảm thu NSNN, như năm 2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã gửi sang cơ quan điều tra hai trường hợp: (1) Vụ việc của Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh trì, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Hà nội; đối với các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước (Luật Đầu tư, Luật xây dựng, Luật Đất đai…) trong quá trình thực hiện dự án chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền NSNN (2) vụ 21 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gồm 20 doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh và công ty cổ phần xây dựng và phát triển năng lượng Apa Green có tổng giá trị là 822.890 triệu đồng để kê khai thuế, khấu trừ thuế có dấu hiệu của hành vi trốn thuế.
Bốn là, trong quản lý nợ, hoàn thuế và quy trình quản lý nợ thuế, đôn đốc sử dụng các biện pháp thu hồi nợ thuế đối với các trường hợp có nợ thuế bắt buộc phải cưỡng chế, ngành thuế còn chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, đôn đốc và điều hành các Cục thuế trong việc xây dựng quy trình theo dõi tiền chậm nộp theo dõi chưa đầy đủ chính xác, dẫn đến khi cơ quan thanh tra, kiểm tra, cụ thể năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị việc truy thu các doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm thuế số tiền gần 800 tỷ đồng gồm 109 tỷ tiền chậm nộp qua thanh tra, kiểm tra và 682 triệu đồng tiền thuế truy thu các doanh nghiệp được cá nhân vi phạm về thuế.
Năm là, về việc ban hành quy trình kiểm tra thuế cũng như việc xây dựng kiểm tra của ngành thuế còn chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Cụ thể, một số doanh nghiệp đưa vào thanh tra nhiều năm, nhưng không thực hiện hoặc điều chỉnh nhiều lần đến nay vẫn chưa được thanh tra.
2. Thanh tra, kiểm tra và giám sát thuế còn nhiều hạn chế
Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển cả về quy mô, giá trị trên các mặt tổng thể và đa dạng theo xu hướng kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới từ đó dẫn đến khách thể của hoạt động thanh tra liên tục biến đổi, phát triển và mở rộng hội nhập tương ứng. Trong khi đó, hệ thống tổ chức, các phương thức trong hoạt động thanh tra tại một số ngành, cấp vẫn còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu và đa dạng của sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là hoạt động thanh tra Thuế chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như: Môi trường, đối tượng người nộp thuế và hệ thống chính sách pháp luật thuế còn chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ của người nộp thuế, khung pháp lý cho hoạt động thanh tra thuế nói chung và hoạt động quản lý còn nhiều bất cập. Các quy định của pháp luật có liên quan chưa đầy đủ, chưa thật sự thống nhất; trong nhiều trường hợp còn thiếu rõ ràng và ẩn chứa các bất hợp lý cụ thể:
Thứ nhất, trước hết còn nhiều hạn chế, sai phạm bị bỏ sót là do: Quy định thuế hiện chưa đầy đủ và thiếu tính khả thi, gây khó khăn trong quá trình triển khai, quy định về phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan có thẩm quyền còn lúng túng chưa rõ ràng tạo nên khoảng trống nhất định, hệ thống xây dựng bộ tiêu chí rủi ro chưa thực sự hiệu quả, các hệ thống dữ liệu không xác định được ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, về hệ thống quy định pháp luật: Với điều kiện nền kinh tế hội nhập như hiện nay, hoạt động thanh tra thuế luôn cần có một khung pháp lý bao gồm các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thanh tra thuế và liên quan đến hoạt động thanh tra thuế để triển khai trên thực tế. Hiệu quả hoạt động thanh tra thuế phụ thuộc nhiều vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật này. Nhưng từ những kết quả thanh tra thuế, của cơ quan quản lý cho thấy chất lượng thanh tra của ngành thuế như công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, bất cập. Thanh tra mới tập trung chủ yếu vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế, phạm vi Thanh tra thuế còn hạn chế vì chủ yếu là kiểm toán báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế tại đơn vị quản lý thu. Việc kiểm toán nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác được thực hiện thông qua hình thức đối chiếu nhưng do các vấn đề về cơ sở pháp lý, quy trình đối chiếu, công tác phối hợp nên quá trình thanh tra còn có nhiều khó khăn.
Thứ ba, giám sát hoạt động sau thanh tra: Hiện nay ngành Thuế chưa có những quy định chuyên biệt về giám sát sau thanh tra như có một số kết luận thanh tra có các kiến nghị, xử lý chưa đúng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật hoặc không giao cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cùng một hành vi vi phạm thuế nhưng có những kiến nghị xử lý khác nhau gây nên sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước và doanh nghiệp.
Thứ tư, năng lực và phẩm chất của cán bộ thanh tra: Thực tế hiện nay đội ngũ làm công tác thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác quản lý; hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhiều điểm còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình và yêu cầu của thực tiễn, đó là sự chồng chéo trong hoạt động hoặc để lại khoảng trống trong quản lý dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả. Cũng giống như các hoạt động quản lý khác, hoạt động thanh tra chịu tác động khá lớn bởi các yếu tố nhân sự. Là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, hoạt động thanh tra thuế rất cần có nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn, kiến thức đa chiều về khả năng phân tích chuyên sâu cũng như các quy định pháp luật …
Thứ năm, quy chế phối hợp với cơ quan tư pháp: Trong công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án chưa chặt chẽ, chưa quy định cụ thể thời gian giải quyết các vụ việc phối hợp dẫn đến tồn đọng nhiều vụ việc, ảnh hưởng đến việc thu NSNN và xử phạt hành chính.
3. Kiến nghị trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế
Mặc dù hệ thống chính sách thuế đã từng bước được hoàn thiện, đảm bảo mục tiêu góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng khá, thể hiện tốt vai trò là công cụ quan trọng quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước… Tuy nhiên, hệ thống chính sách thuế hiện nay vẫn chưa bao quát đầy đủ đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế đặc biệt là các hoạt động kinh tế mới phát sinh hoặc trong một số lĩnh vực ngày càng phát triển. Do đó, với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách thuế nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế nêu trên và đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế thực hiện, hạn chế khả năng sai sót hoặc gian lận thuế, hỗ trợ tốt cho hoạt động thanh tra thuế, hệ thống chính sách thuế cần được tiếp tục hoàn thiện với cơ cấu hợp lý, với những định hướng chủ yếu như sau:
Thứ nhất, xây dựng quy chế giám sát hoạt động thanh tra thuế và nâng cao chất lượng các thủ tục giám sát hoạt động thanh tra thuế: Tổng cục thuế cần khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chế giám sát hoạt động thanh tra để thống nhất triển khai chung trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, quy trình thanh tra thuế cũng như tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật của đoàn thanh tra; theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, triển khai hoạt động thanh tra… để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, quy trình thanh tra, mục đích, yêu cầu, nội dung thanh tra theo phương án triển khai thanh tra thuế đã được xây dựng, phê duyệt qua đó đảm bảo hiệu quả, chất lượng của hoạt động thanh tra. Để đảm bảo tính pháp lý, khả thi và hiệu quả, Quy chế giám sát hoạt động thanh tra cần xây dựng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin cao và bao gồm những nội dung như: Thẩm quyền, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan thuế và lãnh đạo bộ phận thanh tra (đơn vị quản lý trực tiếp Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra); trách nhiệm, quyền hạn của Tổ giám sát hoặc công chức thực hiện giám sát hoạt động thanh tra; trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra khi thực hiện quy chế giám sát.
Thứ hai, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ trong công tác thanh tra thuế: Nhằm tạo dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh hỗ trợ hoạt động thanh tra thuế trong tình hình thực tế hiện nay, cần xem xét bổ sung, điều chỉnh một số quy định khác có liên quan như: Hoàn thiện Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn Luật Thanh tra để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong chức năng thanh tra của các cơ quan Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thuế. Bên cạnh đó, Tổng cục thuế cần quy định cụ thể về thẩm quyền của lãnh đạo cơ quan thuế trong việc quyết định tự giám sát, thành lập Tổ giám sát thực hiện việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra căn cứ trên phạm vi, quy mô, tính chất và nội dung của cuộc thanh tra và đảm bảo thực hiện giám sát hoạt động thanh tra độc lập với bộ phận thanh tra.
Thứ ba, xây dựng mô hình tiêu chuẩn về năng lực cán bộ thanh tra thuế: Có thể khẳng định, nếu không có các cán bộ thanh tra có năng lực, các hoạt động thanh tra thuế sẽ không thể đạt được mục tiêu đặt ra. Về nguyên tắc, đội ngũ cán bộ thanh tra phải có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức nghề nghiệp cao, có kiến thức chuyên sâu, có các kỹ năng cần thiết phục vụ công tác thanh tra, có tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để có cơ sở chính xác phục vụ việc phân loại và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực thanh tra cũng như có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh tra, Tổng cục thuế cần khẩn trương xây dựng và sử dụng mô hình tiêu chuẩn về năng lực cán bộ thanh tra. Việc áp dụng mô hình tiêu chuẩn về năng lực cán bộ thanh tra sẽ là cơ sở đảm bảo chất lượng các hoạt động quản lý nguồn nhân lực của cơ quan thuế như từ việc tuyển dụng, đào tạo, bố trí công việc, đánh giá kết quả công việc…
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ thanh tra thuế: Trong hoạt động thanh tra có rất nhiều tình huống cần đến sự phối hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu thanh tra và trao đổi thông tin với các bộ phận khác trong cùng cơ quan thuế, với cơ quan thuế khác hoặc với các cơ quan, tổ chức khác. Nếu không có sự phối hợp công tác hiệu quả, không có sự trao đổi thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời thì chất lượng của hoạt động thanh tra chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng ngày càng mở rộng và làm gia tăng nguy cơ xảy ra các hành vi gian lận thuế ở phạm vi quốc tế, chuyển giá quốc tế... Do đó, Tổng Cục thuế cũng cần tích cực, chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan thuế nước ngoài để xác minh các giao dịch đáng ngờ, thu thập thông tin liên quan đến căn cứ xác định nghĩa vụ thuế cũng như phối hợp chống các hành vi gian lận thuế có yếu tố nước ngoài, liên quốc gia.
Thứ năm, công khai kết quả hoạt động thanh tra thuế: Hiện nay, pháp luật về quản lý thuế đã cho phép cơ quan thuế Việt Nam công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng trong một số trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn; không thực hiện các yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật (không cung cấp thông tin, tài liệu; không chấp hành quyết định thanh tra thuế…). Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, công tác công khai thông tin các trường hợp này chưa được thực hiện đầy đủ, chưa lan tỏa rộng rãi trong xã hội các hành vi vi phạm pháp luật thuế, do đó tính răn đe và tác động hỗ trợ của dư luận chưa được phát huy. Do đó, Tổng cục thuế cần hướng dẫn nghiệp vụ công khai thông tin hiện nay thành Quy trình công khai thông tin vi phạm pháp luật thuế để tăng tính pháp lý và có những biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo cơ quan thuế thực hiện đầy đủ kịp thời cũng như tuyên truyền để xã hội, cộng đồng người nộp thuế kịp thời nắm bắt những thông tin công khai. Mặt khác, cơ quan Thanh tra cũng cần thực hiện minh bạch, công khai trong hoạt động thanh tra do yêu cầu của quản lý nhà nước và sự phát triển của xã hội các kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán phải được công khai tối đa 100% thể thức và nội dung kết luận thanh tra, vì chỉ có công khai thì các cơ quan quản lý và xã hội mới nâng cao được sự giám sát, minh bạch đối với việc thực thi trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và đánh giá được hiệu quả hoạt động của hệ thống và chủ thể quản lý nhà nước giảm tình trạng cát cứ thông tin là mảnh đất sống cho tham nhũng, tiêu cực.
Thứ sáu, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Để hoạt động Quản lý thuế nói chung và hoạt động thanh tra thuế đạt hiệu quả cao không thể chỉ cần sự hoạt động hiệu quả của riêng cơ quan thuế mà cần sự phối kết hợp của rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong phạm vi quản lý ngành cần chủ động phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ hoạt động quản lý thuế, hoạt động thanh tra thuế; phối hợp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế… Để có cơ sở triển khai việc phối hợp này, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét có những quy chế phối hợp quản lý thuế thực chất, hiệu quả với cơ quan thuế và có những biện pháp thích hợp nhằm thực thi các quy chế phối hợp này. Song song đó, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp như công an kiểm sát, tòa án để phát hiện, ngăn chặn, truy cứu trách nhiệm hình sự kịp thời đối với các hành vi gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế lớn…Mặt khác, để làm tốt nhiệm vụ, góp phần chống thất thu NSNN, đề nghị hoàn thiện pháp luật về thanh tra theo hướng cụ thể hóa, đầy đủ, toàn diện trong việc quy định rõ đối tượng thanh tra, vai trò, nhiệm vụ của Thanh tra trong hoạt động thanh tra thuế và cung cấp đủ chức năng, quyền hạn để cơ quan có cơ sở chủ động phát huy vai trò trong công tác thanh tra nghĩa vụ thuế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo Tổng cục Thuế (2021) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021, triển khai nhiệm vu, giải pháp công tác thuế năm 2022.
2. Báo cáo tổng hợp (2018) kết quả kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước.
3. Kết luận của Thanh tra Chính phủ (2017) việc chấp hành chính sách, pháp luật, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước với Bộ Tài chính.
4. Luật Thanh tra số 56/2020/QH11 ngày 15/11/2010.
5. Nghị định số 07/2012/NĐ- CP ngày 09/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.