Để giải quyết dứt điểm tình trạng đơn thư liên quan đến Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua Nghệ An:

Tỉnh Nghệ An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng

Thứ năm, 13/07/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An phát sinh một số khó khăn, vướng mắc khi địa phương chưa được bố trí nguồn kinh phí thực hiện phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng đơn thư của công dân liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Hiện nay, Nghệ An vẫn còn 02 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được rà soát theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ chưa được giải quyết dứt điểm. Một trong số đó là vụ khiếu nại việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A.

Tuyến đường quan trọng hàng đầu Việt Nam

Quốc lộ 1A là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam. Quốc lộ này bắt đầu (km 0) tại cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nằm tại thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, và kết thúc tại thị trấn Năm Căn thuộc huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 2.482 km. Đây là tuyến đường quan trọng hàng đầu Việt Nam, đi qua trung tâm của một nửa số tỉnh thành Việt Nam, nối liền 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An có tổng chiều dài tuyến chính gần 74km từ thị xã Hoàng Mai (14 km), huyện Quỳnh Lưu (12,25 km), Diễn Châu (28,05 km), Nghi Lộc (13,96 km) và thành phố Vinh (5,54 km) được chia thành 6 dự án và giao cho 5 chủ đầu tư thi công. 

leftcenterrightdel
 Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An. Ảnh: Congan.nghean.gov.vn

Trong đó liên doanh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 và 319 là chủ đầu tư đoạn qua thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu dài 19,83 km; PMU85 làm chủ đầu tư đoạn đi qua thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu dài 4,67 km; PMU1 làm chủ đầu tư đoạn đi qua huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu dài 18,9 km; Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư đoạn Diễn Châu - Quán Hành dài 23,4 km và Quán Hành - Quán Bánh dài 5,9 km đi qua các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh; Ban quản lý dự án An toàn giao thông - Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án cầu vượt đường sắt dài 1,1 km đi qua địa bàn thành phố Vinh. 

Để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, nhiều hộ dân dọc 2 bên tuyến đường (thuộc thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thành phố Vinh) nằm trong diện phải giải tỏa, bị ảnh hưởng hoặc phải tái định cư với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 1.000 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Đại diện Thanh tra tỉnh Nghệ An làm việc với Tạp chí Thanh tra cung cấp một số thông tin về tình hình đơn thư của công dân liên quan đến Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A. Ảnh: K. Dung

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nan giải

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Thanh tra tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A hoàn thành, nhiều công dân đã có đơn khiếu nại, khiếu kiện gửi đến các cơ quan chính quyền và Tòa án nhân dân các cấp yêu cầu bồi thường đối với phần diện tích đất của các hộ gia đình. Những phần diện tích đất này được các hộ gia đình khẳng định là nằm trong hành lang giao thông đã bị giải tỏa khi thực hiện dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A thời điểm năm 1994-1998 (Dự án PMU1) nhưng trước đây mới được bồi thường tài sản trên đất, chưa được bồi thường về đất.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan UBND các huyện, thị xã đã thành lập các đoàn giải quyết đơn thư, khiếu nại, xác minh, rà soát và dự kiến phương án bồi thường, tính tiền chậm trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hiện nay mới được cấp một phần nên UBND các huyện đã ưu tiên giải quyết, chi trả cho các đối tượng có nguồn gốc đất ở sử dụng từ trước ngày 21/12/1982. Đối với các trường hợp còn lại do chưa được bố trí nguồn kinh phí nên UBND các huyện chưa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp đã bị mất hiện trạng nên chưa lập được phương án bồi thường, hỗ trợ nên tiếp tục khiếu kiện; đồng thời có nhiều hộ dân thấy có một số hộ được bồi thường, hỗ trợ nên viết đơn đề nghị được bồi thường, nên làm tăng số lượng đơn thư.

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao về rà soát, giải quyết đơn thư của công dân: Giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bố trí kinh phí để chi trả; Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng, giải quyết dứt điểm tình trạng đơn thư của công dân./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra